Tổng thống Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa

Chính quyền của Tổng thống Joe Biden sẽ cho phép Ukraine sử dụng vũ khí do Mỹ cung cấp để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Thông tin trên được đưa ra vào Chủ Nhật (ngày 17 tháng 11). Đây sẽ là thay đổi đáng kể đối với chính sách của Washington trong cuộc xung đột Ukraine-Nga.

Các nguồn tin cho biết Ukraine có kế hoạch tiến hành các cuộc tấn công tầm xa đầu tiên trong những ngày tới, nhưng không tiết lộ chi tiết do lo ngại về an ninh. Nhà Trắng từ chối bình luận về thông tin này. Động thái của Mỹ diễn ra hai tháng trước khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào ngày 20 tháng 1. Suốt nhiều tháng qua, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy yêu cầu cho phép quân đội Ukraine sử dụng vũ khí của Mỹ để tấn công các mục tiêu quân sự ở sâu trong lãnh thổ Nga.

Theo các nguồn tin, các cuộc tấn công sâu đầu tiên có khả năng sẽ được thực hiện bằng tên lửa ATACMS, có tầm bắn lên tới 300 km. Tên lửa ATACMS có thể được bắn từ bệ phóng HIMARS, loại mà Ukraine đã có trong kho vũ khí của mình kể từ năm 2022. Lực lượng Kiev đã có tên lửa ATACMS từ tháng 4, nhưng cho đến nay vẫn chỉ được sử dụng trên vùng đất mà Washington coi là của Ukraine.

Tên lửa ATACMS có tầm bắn lên tới 300 km

Tên lửa ATACMS có tầm bắn lên tới 300 km

Phản ứng của Nga

Động thái này là một sự leo thang đáng kể và có thể gây ra phản ứng trực tiếp từ Moscow. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công nào vào lãnh thổ được quốc tế công nhận của Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp sẽ được coi là NATO tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột. Ông cho rằng những hành động như vậy có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, bao gồm cả hành động trả đũa nhằm vào các lợi ích của phương Tây.

Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 9 đã cảnh báo phương Tây rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân nếu bị tấn công bằng tên lửa thông thường, và rằng Moscow sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào được một cường quốc hạt nhân hỗ trợ là một cuộc tấn công chung. Tuyên bố này là câu trả lời của Điện Kremlin cho các cuộc thảo luận vào thời điểm đó ở Mỹ và Anh về việc có nên cấp phép cho Ukraine bắn tên lửa thông thường của phương Tây vào Nga hay không.

Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo việc tấn công Nga

Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo việc tấn công Nga

Khả năng vũ khí tầm xa ATACMS của Mỹ

Khả năng tấn công tầm xa của ATACMS sẽ cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, có khả năng phá vỡ các tuyến tiếp tế và nơi tập trung quân đội. Tuy nhiên, tầm bắn khoảng 300 km của tên lửa tầm xa của Mỹ không đủ xa để gây ra thiệt hại đáng kể cho một trong những mục tiêu quan trọng nhất: đó là máy bay Nga phóng bom lượn tầm xa mạnh mẽ đã tàn phá các mục tiêu của Ukraine. Một quan chức Mỹ ước tính rằng 90% số máy bay đó nằm ngoài tầm bắn của ATACMS, vì Nga đã đưa các mục tiêu quan trọng ra xa hơn khỏi tiền tuyến.

Một số quan chức Mỹ bày tỏ sự hoài nghi rằng việc cho phép các cuộc tấn công tầm xa sẽ thay đổi cục diện chung của cuộc chiến, tuy nhiên cũng có người cho rằng quyết định này có thể có lợi Ukraine vào thời điểm lực lượng Nga đang giành được lợi thế và nếu các cuộc đàm phán ngừng bắn diễn ra thì Ukraine có thể có lợi thế trên bàn đàm phán.

New York Times cho rằng sự thay đổi chính sách cũ Mỹ cũng đã gây chia rẽ các cố vấn của ông Biden. Trong khi một số người cho rằng sự thay đổi này là cần thiết để chống lại các động thái quân sự được cho là của Moscow, những người khác lại lo ngại rằng nó có thể làm leo thang căng thẳng hơn nữa và gây ra nguy cơ xung đột rộng lớn hơn.

Báo cáo của tờ New York Times cũng nhấn mạnh rằng quân đội Ukraine có thể nhắm mục tiêu đầu tiên vào lực lượng Nga và Triều Tiên ở Kursk, và các cuộc tấn công có khả năng sẽ được mở rộng sang các khu vực khác. Kiev từ lâu đã đề nghị được sử dụng vũ khí tầm xa. Nếu ông Biden cho phép, động lực địa chính trị của cuộc xung đột hiện có thể thay đổi đáng kể.

Không rõ liệu Tổng thống Donald Trump có đảo ngược quyết định của ông Biden khi ông nhậm chức hay không. Ông Trump từ lâu đã chỉ trích quy mô viện trợ tài chính và quân sự của Mỹ cho Ukraine và tuyên bố sẽ nhanh chóng chấm dứt chiến tranh.

Nga giành lợi thế trên chiến trường

Nga đang giành lợi thế tại các địa điểm quan trọng dọc theo tuyến đầu của Đông và Đông Nam Ukraine, đồng thời tung ra hết đợt không kích này đến các đợt không kích khác nhằm vào các lục tiêu của Ukraine.

Đồng thời, Moscow đang chuẩn bị tung đòn phản công ở khu vực phía nam Kursk của Nga, nơi được coi là thành công quân sự lớn duy nhất của Kiev trong năm nay. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói Moscow đã triển khai gần 50.000 quân tới Kursk, ngoài ra còn có sự hỗ trợ của quân đội Triều Tiên gần đây.

"Nga giành thế chủ động trên khắp tiền tuyến, đã khai thác thành công các lợi thế chiến thuật và đang củng cố những lợi thế chiến thuật đó.", ông George George Barros từ Viện nghiên cứu chiến tranh nói với CNN. Ông Barros, người lãnh đạo các nhóm tình báo Nga và địa không gian tại nhóm giám sát xung đột có trụ sở tại DC, nói rằng lợi thế của Nga trên chiến trường khiến Ukraine không thể phản công.

Tình hình đặc biệt thảm khốc xung quanh Kupiansk. Thành phố Đông Bắc quan trọng một lần nữa có khả năng sẽ do Nga kiểm soát sau khi người Ukraine giành quyền kiểm soát vào tháng 9 năm 2022, sau hơn 6 tháng trong tay Nga. Kupiansk nằm ở ngã tư của hai con đường tiếp tế chính và sông Oskil, tạo thành một pháo đài phòng thủ chính trong khu vực. Kiểm soát Kupiansk sẽ giúp Nga dễ dàng tiến xa hơn vào khu vực Kharkov. Điều đó sẽ gây áp lực thêm cho Kharkov, thành phố lớn thứ hai của Ukraine, đã bị máy bay không người lái và tên lửa Nga tấn công gần như hàng ngày.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/tong-thong-biden-cho-phep-ukraine-su-dung-vu-khi-tam-xa-281181.htm