Tổng thống Biden công bố kế hoạch kinh tế mới tại hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ

Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố kế hoạch kinh tế mới với châu Mỹ vào thứ Tư (8/6), khi các nhà lãnh đạo khu vực tập trung cho một hội nghị thượng đỉnh ở Los Angeles, Mỹ.

Mỹ muốn lấy lại tầm ảnh hưởng

Nhằm ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực, một quan chức chính quyền cấp cao cho biết Tổng thống Joe Biden đang đưa ra một giải pháp để thúc đẩy tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực, bao gồm đầu tư nhiều hơn vào các lĩnh vực khác nhau, cũng như tăng cường các thỏa thuận thương mại hiện có.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (trái) lắng nghe quyền Tổng thư ký Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) Luis Almagro, trong cuộc họp cấp bộ trưởng tại Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ ở Los Angeles hôm thứ Tư (8/6). Ảnh: AP

Tổng thống Joe Biden trong lúc lên đường tham dự hội nghị. Ảnh: AP

Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Marcelo Ebrard phát biểu tại hội nghị, sự kiện mà Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador tuyên bố sẽ không tham dự. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, quan chức này nói thêm rằng kế hoạch “Đối tác châu Mỹ vì sự thịnh vượng kinh tế” của ông Biden dường như vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Bởi vậy, các cuộc đàm phán dự kiến sẽ chỉ chính thức bắt đầu vào đầu mùa thu năm nay.

Tại Los Angeles, ông Biden sẽ vạch ra kế hoạch trong một bài phát biểu khai mạc hội nghị, được coi như một nền tảng để thể hiện vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc hồi sinh các nền kinh tế Mỹ Latinh và giải quyết mức độ di cư kỷ lục bất thường ở biên giới Mỹ-Mexico.

Các quan chức Mỹ hy vọng Hội nghị thượng đỉnh châu Mỹ tại Los Angeles và sự tập hợp của các giám đốc điều hành doanh nghiệp có thể mở đường cho sự hợp tác lớn hơn, khi mà các chính phủ đang vật lộn với lạm phát cao và sự thiếu hụt chuỗi cung ứng.

Đại sứ Mỹ tại Mexico Ken Salazar nói với Reuters: "Sẽ tốt hơn nhiều cho chúng tôi khi có một chuỗi cung ứng ở châu Mỹ hơn là phụ thuộc vào chuỗi cung ứng đến từ Trung Quốc".

Mỹ, vốn đã có hiệp ước thương mại kết hợp với Canada và Mexico, hiệp định chung với các nước Trung Mỹ và một loạt hiệp định khác, sẽ cố gắng phát triển các tiêu chuẩn mới về hải quan, thương mại kỹ thuật số, lao động, môi trường…

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với các nhà lãnh đạo doanh nghiệp tại hội nghị thượng đỉnh rằng vẫn còn "những thách thức to lớn" đối với việc tạo ra một môi trường tích cực cho đầu tư, với lý do "mọi thứ từ khuôn khổ pháp lý đến tham nhũng".

Thách thức không chỉ từ Trung Quốc

Thách thức từ Trung Quốc rõ ràng là một vấn đề lớn đối với Mỹ ngay tại lục địa của mình. Dữ liệu cho thấy, Trung Quốc đã nới rộng khoảng cách với Mỹ về mặt thương mại ở phần lớn châu Mỹ kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1 năm 2021, cho thấy Mỹ đang bị đẩy lùi ngay trên “sân nhà”.

Một phân tích độc quyền của Reuters về dữ liệu thương mại của Liên Hợp Quốc trong khoảng thời gian từ năm 2015-2021 cho thấy ngoài Mexico, đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, Trung Quốc đã vượt qua Washington ở châu Mỹ và tiếp tục mở rộng ưu thế của mình vào năm ngoái.

Bởi vậy, các trợ lý của ông Biden đã coi hội nghị thượng đỉnh là một cơ hội để Mỹ tái khẳng định cam kết của mình với Mỹ Latinh sau nhiều năm bị lãng quên. Nhưng căng thẳng ngoại giao bùng phát trong tuần này khi Mỹ quyết định không mời ba quốc gia là Cuba, Venezuela và Nicaragua.

Nhằm phản đối điều này, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador đã tuyên bố sẽ không tham dự hội nghị. Các nhà lãnh đạo của Guatemala và Honduras cũng cho biết họ sẽ không có mặt. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo từ hơn 20 quốc gia trong khu vực sẽ tham dự, bao gồm Canada, Brazil và Argentina.

Hoàng Anh (theo Reuters, SCMP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tong-thong-biden-cong-bo-ke-hoach-kinh-te-moi-tai-hoi-nghi-thuong-dinh-chau-my-post198374.html