Tổng thống Biden gửi thông điệp mạnh đến Iran
Chính quyền Tổng thống Joe Biden sẵn sàng đáp trả quân sự nếu Iran tiếp tục gia tăng sức ép lên Mỹ, kể cả thông qua việc sử dụng các nhóm phiến quân
Tổng thống Joe Biden hôm 25-2 ra lệnh không kích Syria, nhằm vào cơ sở của các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn gần biên giới Iraq. Lầu Năm Góc khẳng định đợt không kích trên được tiến hành để trả đũa vụ tấn công tên lửa nhằm vào các mục tiêu Mỹ ở Iraq hồi giữa tháng này.
Đây là hành động quân sự đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Biden, được triển khai 2 ngày sau cuộc điện đàm giữa ông và Thủ tướng Iraq Mustafa Al-Kadhim, với quy mô hạn chế dường như để giảm thiểu rủi ro leo thang căng thẳng.
Quyết định của ông chủ Nhà Trắng về việc chỉ không kích Syria, chí ít là đến thời điểm hiện tại, đã cho chính phủ Iraq "không gian để thở" giữa lúc họ tiến hành cuộc điều tra riêng nhằm vào cuộc tấn công tên lửa nêu trên. Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định hành động của Washington là một "động thái phản ứng quân sự tương xứng" được tiến hành cùng các biện pháp ngoại giao, trong đó có tham vấn với các đối tác.
"Chiến dịch này đã gửi một thông điệp rõ ràng. Tổng thống Biden sẽ hành động để bảo vệ quân nhân Mỹ và liên minh. Cùng lúc, chúng tôi đã hành động một cách phù hợp để làm giảm căng thẳng tình hình chung ở Đông Syria lẫn Iraq" - phát ngôn viên Kirby nhấn mạnh.
Cùng ngày, chuyên gia Dennis Ross của Viện Washington về Chính sách Cận Đông (Mỹ) khẳng định mặc dù có quy mô hạn chế, đợt không kích nêu trên cho thấy chính quyền Tổng thống Biden "sẵn sàng đáp trả quân sự và rõ ràng có thể làm được nhiều hơn thế nếu Iran tiếp tục gia tăng sức ép lên Mỹ, kể cả thông qua việc sử dụng các nhóm phiến quân".
Thời điểm không kích diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Biden nhận được báo cáo về vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi trong Lãnh sự quán Ả Rập Saudi tại Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đã làm dấy lên một vài câu hỏi. Tuy nhiên, nhà nghiên cứu cấp cao Jonathan Schanzer của Quỹ Quốc phòng Dân chủ (Mỹ) cho rằng không có mối liên hệ giữa 2 vụ việc khi khẳng định: "Mỹ bị khiêu khích. Mỹ đáp trả. Tôi không tin Ả Rập Saudi là một yếu tố quan trọng trong quyết định không kích".
Dù vậy, theo ông Schanzer, Ả Rập Saudi, Israel cùng các quốc gia khác trong khu vực chắc chắn sẽ theo dõi tình hình sát sao, đặc biệt là khi Washington đang bị Tehran thách thức giữa lúc chính quyền Tổng thống Biden tỏ ý muốn nối lại đàm phán hạt nhân với Iran. Cách thức giải quyết vụ việc của chính quyền Tổng thống Biden sẽ cung cấp một vài manh mối về việc liệu Washington sẽ theo đuổi các chính sách mềm mỏng hay cứng rắn hơn ở Trung Đông. Bất luận thế nào, theo phóng viên Nhà Trắng Kaitlan Collins của đài CNN, đợt không kích trên đã khiến quá trình thuyết phục Iran quay lại bàn đàm phán trở nên phức tạp hơn.
Vài giờ sau cuộc tấn công của Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Javad Zarif đã điện đàm với người đồng cấp Syria Faisal Mekdad để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phương Tây tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ Syria.
Trước đó, chuyên gia Mary Ellen O’Connell của Trường Luật Notre Dame (Mỹ) khẳng định hành động của Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế với lập luận: "Hiến chương Liên Hiệp Quốc nêu rõ rằng hành động quân sự nhằm vào nước khác chỉ hợp pháp khi nó được triển khai để đáp trả một cuộc tấn công nhằm vào quốc gia phòng thủ mà quốc gia mục tiêu chịu trách nhiệm. Cuộc không kích ở Syria không đáp ứng được những yếu tố này".
Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (Anh), đợt không kích của Mỹ đã lấy đi sinh mạng của 22 tay súng thuộc Lực lượng Huy động Nhân dân (PMF), một nhóm do Iran hậu thuẫn chủ yếu bao gồm các tay súng bán quân sự người Shiite. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định ông tự tin rằng Washington đã nhắm đúng mục tiêu những tay súng Hồi giáo Shia chịu trách nhiệm cho vụ tấn công tên lửa nhằm vào các quân nhân Mỹ ở Iraq hôm 15-2.