Tổng thống Biden khẳng định Mỹ hiện diện mạnh mẽ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương

Trong bài phát biểu đầu tiên trước Quốc hội Mỹ lúc 20 giờ ngày 28/4 (giờ Mỹ), Tổng thống Joe Biden khẳng định Mỹ sẽ hiện diện mạnh mẽ ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Tổng thống Biden tại Quốc hội Mỹ. Ảnh: CNN

Tổng thống Biden tại Quốc hội Mỹ. Ảnh: CNN

Theo đài Sputnik (Nga), phát biểu trước Quốc hội Mỹ, ông Biden cho biết ông đã đưa ra tuyên bố trên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông nói rõ: "Tôi đã nói với Chủ tịch Tập Cận Bình rằng chúng tôi sẽ duy trì hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương như NATO ở châu Âu, không phải để bắt đầu xung đột, mà là để ngăn chặn xung đột".

Trước đó, ông Biden liên tục tuyên bố Mỹ cam kết xử lý các thách thức mà Trung Quốc đặt ra trong khu vực, đồng thời theo đuổi giải pháp ngoại giao và không chấp nhận nỗ lực thay đổi hiện trạng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Theo ông Biden, Mỹ sẽ phản đối thương mại bất công, gây ảnh hưởng tới lợi ích người lao động và công ty Mỹ, đồng thời sẽ đấu tranh để đảm bảo các quốc gia, trong đó có Trung Quốc, chơi theo luật chung như Mỹ trong nền kinh tế toàn cầu.

Tổng thống Biden cho biết ông tin rằng Mỹ đang ở trạng thái cạnh tranh với Trung Quốc và một số quốc gia khác để giành vị trí dẫn đầu trong thế kỷ 21. Ông nói: "Mỹ đang tiến về phí trước, chúng ta không thể dừng lại lúc này. Chúng ta cạnh tranh với Trung Quốc và các nước để chiến thắng trong thế kỷ 21. Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng trong lịch sử".

Ngày 10/2, Nhà Trắng cho biết ông Biden và Tập Cận Bình đã điện đàm và thảo luận về tình hình dịch bệnh, nhân quyền, thương mại và sự ổn định ở Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Phát biểu trước Quốc hội Mỹ là sự kiện đánh dấu 100 ngày đầu tiên ông Biden lên nắm quyền trong bối cảnh ông phải đương đầu với những vấn đề cấp thiết, trong đó có đại dịch COVID-19 và khó khăn kinh tế.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, trong bài phát biểu, Tổng thống Biden đã nhấn mạnh tới những thành tựu mà chính quyền ông đã đạt được trong thời gian vừa qua nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng mà Mỹ phải đối mặt, đặc biệt trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 khi đạt được tốc độ tiêm phòng vaccine nhanh chóng. Hơn 50% người trưởng thành ở Mỹ đã nhận được ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19 và khoảng 70% số người cao tuổi đã được tiêm đủ liều.

Theo kế hoạch, Tổng thống Biden cũng sẽ công bố chi tiết về các phần trong Kế hoạch Gia đình Mỹ, một đề xuất lập pháp trị giá 1.800 tỷ USD về giáo dục, chăm sóc trẻ em và nghỉ phép có lương. Kế hoạch này là phần thứ hai của đề xuất gồm hai phần nhằm giúp nền kinh tế hàng đầu thế giới phục hồi sau đại dịch COVID-19. Trước đó, ông Biden cũng đã công bố đề xuất đầu tư vào cơ sở hạ tầng trị giá 2.300 tỷ USD.

Ngoài ra, ông Biden cũng sẽ đề cập về vấn đề nhập cư, an toàn súng đạn và cải cách ngành cảnh sát cũng như các thách thức và cơ hội của Mỹ trong lĩnh vực đối ngoại.

Về mặt kỹ thuật, bài phát biểu này không phải là thông điệp liên bang mà các Tổng thống Mỹ đọc hằng năm theo Hiến pháp. Theo truyền thống, Tổng thống Mỹ sẽ đọc thông điệp liên bang đầu tiên sau 1 năm tại nhiệm. Thay vào đó, Tổng thống mới nhậm chức như ông Biden sẽ có phát biểu đầu tiên tại phiên họp chung của Quốc hội. Mặc dù vậy, đây vẫn được xem là cơ hội để ông Biden cho thấy sự cởi mở đối với việc sẵn sàng thỏa thiệp của lưỡng đảng đối với các chính sách, đàm phán tích cực và kêu gọi sự ủng hộ của các nhà lập pháp đối với các dự luật cải cách tại Quốc hội.

Ngày 30/4 tới sẽ đánh dấu 100 ngày đầu tiên Tổng thống Biden lên nắm quyền. Trong quãng thời gian này, ông Biden đã đưa ra nhiều quyết định táo bạo, thể hiện tham vọng lớn nhằm hồi sinh nước Mỹ, đồng thời nâng cao vị thế của Washington trong cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt với Trung Quốc.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tong-thong-biden-khang-dinh-my-hien-dien-manh-me-o-an-dothai-binh-duong-20210429085744106.htm