Tổng thống Biden ký sắc lệnh củng cố chính sách kinh tế thời Trump
Sau khi nhậm chức vào ngày 20/1 vừa qua, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến ký sắc lệnh ưu tiên các doanh nghiệp và hàng hóa nội địa Mỹ trong hợp đồng với chính phủ liên bang, điều từng được chính quyền Trump ủng hộ.
Tổng thống Biden ngồi trong Phòng Bầu dục trong ngày đầu tiên tại Nhà Trắng. Ảnh: Getty
AFP dẫn nguồn tin từ các quan chức cấp cao tại Nhà Trắng cho biết Tổng thống Joe Biden sẽ ký sắc lệnh nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước và tạo điều kiện sử dụng lao động nội địa bằng cách đẩy mạnh đầu tư vào các ngành sản xuất nhằm củng cố chiến lược “Xây dựng lại tốt hơn”, như lời ông từng cam kết trong chiến dịch tranh cử tổng thống.
Cũng theo các nguồn tin, sắc lệnh hành pháp mới cũng sẽ hạn chế việc đóng dấu các sản phẩm do các cơ quan liên bang mua là “sản xuất tại Mỹ”, nhằm hạn chế việc lách luật của các doanh nghiệp khi cung cấp các sản phẩm cho chính phủ Mỹ nhưng chỉ có một phần nhỏ được sản xuất trong nước.
Động thái trên của vị tân Tổng thống Mỹ đã phản ánh cách tiếp cận của những người tiền nhiệm về những vấn đề trên, đặc biệt là cựu tổng thống Mỹ Donald Trump. Ông Trump từng ban hành sắc lệnh thúc giục các cơ quan liên bang phải mua thêm sản phẩm sản xuất. Tuy vậy, ông Biden ủng hộ thắt chặt quy định “mua hàng hóa sản xuất tại Mỹ” và muốn sử dụng việc ban hành sắc lệnh thay vì gây chiến tranh thương mại.
“Số tiền chính phủ liên bang chi tiêu chính là công cụ mạnh mẽ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất và người lao động Mỹ. Chỉ tính riêng các hợp đồng cung cấp hàng hóa cho chính phủ liên bang đã chiếm gần 600 tỷ USD trong ngân sách chi tiêu hàng năm”, một nguồn tin cho hay.
Đạo luật “Mua hàng hóa Mỹ” năm 1933 vẫn còn hiệu lực, yêu cầu các cơ quan liên bang ưu tiên mua sản phẩm được sản xuất nội địa. Tuy nhiên, “những ưu tiên này không phải được thực hiện nhất quán hoặc hiệu quả tại mọi thời điểm”, theo phát ngôn viên của chính quyền Joe Biden.
Trong các buổi lễ thuộc chiến dịch tranh cử, ông Biden cam kết tăng cường quy trình “Mua hàng hóa Mỹ” với kế hoạch sử dụng 400 tỷ USD cho các dự án sản phẩm do Mỹ sản xuất như thép hoặc thiết bị bảo hộ cho nhân viên y tế phòng chống dịch Covid-19.
Sau khi đắc cử, ông Joe Biden đã tuyên bố chính phủ Mỹ sẽ mua ô tô và hàng tồn kho Mỹ. Tuy nhiên, theo cảnh báo từ các doanh nghiệp, việc áp đặt hạn chế mới lên quy tắc mua bán có thể đẩy chi phí lên cao hơn bình thường và khiến cho việc mua linh kiện sản xuất ở nước ngoài gặp nhiều khó khăn hơn so với trước kia. Hương Vũ