Tổng thống Biden mời ông Putin họp bàn về mối quan hệ Nga-Mỹ

Tổng thống Mỹ và Nga đã có cuộc điện đàm hôm thứ Ba (13/4), thảo luận về một loạt vấn đề, bao gồm 'ý định của Hoa Kỳ và Nga theo đuổi đối thoại ổn định chiến lược về một loạt kiểm soát vũ khí và các vấn đề an ninh mới nổi, dựa trên việc mở rộng của Hiệp ước START mới'.

Tổng thống Joe Biden (trái) mời ông Putin gặp để bàn về mối quan hệ giữa hai nước - Ảnh: AFP/Sputnik

Bài liên quan

Năm thách thức chính sách đối ngoại lớn nhất của ông Biden

Tổng thống Joe Biden liệu có thể tái tạo nền kinh tế Mỹ trở về thời kỳ đỉnh cao?

Tổng thống Biden mời Nga và Trung Quốc tham dự Hội nghị thượng đỉnh khí hậu toàn cầu

Tổng thống Putin sẵn sàng đối chất với Joe Biden để giải quyết căng thẳng

Tổng thống Putin: ‘Nga sẵn sàng khôi phục tương tác với EU, nếu thấy quan tâm’

Cuộc điện đàm của hai nguyên thủ quốc gia có thể sẽ thúc đẩy một cuộc gặp trực tiếp.

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã mời ông Putin gặp mặt "ở một nước thứ ba".

"Tổng thống Biden tái khẳng định mục tiêu xây dựng mối quan hệ ổn định và có thể đoán trước được với Nga, phù hợp với lợi ích của Mỹ, đồng thời đề xuất một cuộc gặp thượng đỉnh ở nước thứ ba trong những tháng tới để thảo luận về toàn bộ các vấn đề mà Hoa Kỳ và Nga phải đối mặt", Nhà Trắng cho biết trong một tuyên bố vào thứ Ba (13/4).

Theo Nhà Trắng, hai ông Putin và Biden "đã thảo luận một số vấn đề khu vực và toàn cầu, bao gồm ý định của Hoa Kỳ và Nga theo đuổi đối thoại ổn định chiến lược về một loạt kiểm soát vũ khí và các vấn đề an ninh mới nổi, dựa trên việc mở rộng Hiệp ước START mới".

Vấn đề Ukraina

Căng thẳng giữa Mỹ và Nga gần đây đã leo thang trong bối cảnh tình hình đang xấu đi ở miền đông Ukraine, nơi các lực lượng dân quân và chính quyền khu vực Donetsk và Lugansk đã báo cáo về sự leo thang trong các cuộc tấn công pháo kích, đánh bom và bắn tỉa của lực lượng Ukraine.

Hoa Kỳ đổ lỗi cho Nga vì cáo buộc gây ra căng thẳng trong khu vực, và đe dọa đáp trả "hành động gây hấn" của Nga. Trong khi đó, Nga phủ nhận cáo buộc về việc hỗ trợ quân sự, cũng như nói rằng việc di chuyển quân của họ không nhằm đe dọa Ukraine hay nước nào.

Xung đột vũ trang ở miền đông Ukraine bùng phát vào năm 2014 ngay sau cuộc đảo chính Euromaidan ở Kiev, khi cư dân vùng Donbass từ chối phục tùng chính quyền mới.

Vụ Vlogger Navalny bị đầu độc

Đầu năm nay, Mỹ cũng đã trừng phạt một số thực thể của Nga vì cáo buộc đầu độc Vlogger Alexei Navalny, người bị ốm trên một chuyến bay nội địa ở Nga và cuối cùng được chuyển đến Bệnh viện Charite ở Berlin để điều trị chuyên khoa.

Chính phủ Đức sau đó tuyên bố rằng các bác sĩ đã tìm thấy dấu vết của chất độc thần kinh thuộc nhóm Novichok trong người của anh ta, mặc dù Moscow chỉ ra rằng thiếu bằng chứng rõ ràng trong tuyên bố của Berlin và lưu ý rằng các bác sĩ Nga đã điều trị cho Navalny trước khi anh ta chuyển đến Đức không tìm thấy chất độc nào.

Bị bắt khi trở về Nga vào tháng 2 vì nhiều lần vi phạm án treo liên quan đến vụ án gian lận Yves Rocher năm 2014, Navalny hiện đang thụ án 2,5 năm tù sau khi án treo được thay thế bằng án tù thực sự, Washington kêu gọi Nga để trả tự do cho Vlogger này.

Và trong cuộc phỏng vấn với ABC vào tháng 3, Tổng thống Biden nói rằng người đồng cấp Putin sẽ phải "trả giá" vì cáo buộc can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020, thậm chí cáo buộc Tổng thống Nga là "kẻ giết người". Phát ngôn của Tổng thống Mỹ khiến phía Nga giận dữ và họ đã triệu hồi đại sứ Nga tại Mỹ để thảo luận về mối quan hệ Mỹ-Nga.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tong-thong-biden-moi-ong-putin-hop-ban-ve-moi-quan-he-nga-my-post127984.html