Tổng thống đắc cử Iran: Muốn làm khác nhưng sẽ chẳng dễ dàng, vì sao?
Tổng thống đắc cử Iran Masoud Pezeshkian ấp ủ những chính sách mới táo bạo hơn cố Tổng thống tiền nhiệm, tuy vậy, trước mắt ông là rất nhiều 'vòng kim cô'.
"Bước lùi" của chủ nghĩa cứng rắn
Việc ông Masoud Pezeshkian - một nhân vật tương đối ôn hòa - đắc cử Tổng thống làm dấy lên hy vọng của những người dân Iran khao khát tự do xã hội và mối quan hệ tốt hơn với phương Tây. Tuy vậy, Iran sẽ khó có thay đổi lớn về mặt chính sách.
Theo các nhà phân tích và những người am hiểu nền chính trị Iran, vận mệnh chính trị của các giáo sĩ Iran cầm quyền phụ thuộc vào việc giải quyết tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay. Do đó, ông Pezeshkian có thể sẽ hành động tương đối mạnh tay để khôi phục nền kinh tế.
Dưới hệ thống chính trị lưỡng nguyên gồm thần quyền và cộng hòa của Iran, tổng thống không thể thúc đẩy bất kỳ sự thay đổi chính sách lớn nào đối với chương trình hạt nhân hoặc chính sách đối ngoại, vì Lãnh tụ tối cao Ali Khamenei mới là người nắm toàn quyền quyết định đối với mọi vấn đề cấp cao của nhà nước.
Tuy nhiên, tổng thống có thể tác động đến tinh thần chung của chính sách và sẽ tham gia chặt chẽ vào việc lựa chọn người kế nhiệm ông Khamenei, hiện đã 85 tuổi.
Những cá nhân theo đường lối cứng rắn trong các thể chế mà Lãnh tụ tối cao Khamenei kiểm soát như tư pháp, lực lượng vũ trang và phương tiện truyền thông trước đây đã ngăn chặn việc mở cửa với phương Tây hoặc tự do hóa trong nước.
Lãnh tụ tối cao Khamenei đã đưa ra các hướng dẫn cho chính phủ mới, trong đó tư vấn cho ông Pezeshkian tiếp tục các chính sách của cố Tổng thống theo đường lối cứng rắn Ebrahim Raisi, người đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn trực thăng hồi tháng 5.
Karim Sadjadpour, nhà nghiên cứu làm việc cho Quỹ Carnegie ở Washington bình luận: “Ông Pezeshkian tự nhận mình là ‘người theo chủ nghĩa nguyên tắc’ - người cam kết tuân thủ các nguyên tắc tư tưởng của cuộc cách mạng - và đã tỏ rõ lòng tận tụy của mình đối với Lực lượng Vệ binh Cách mạng (IRGC) và Lãnh tụ Khamenei”.
Ông Pezeshkian đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran vòng hai, song ông vẫn chưa tuyên thệ nhậm chức. Ông cam kết thúc đẩy chính sách đối ngoại thực dụng và giảm bớt căng thẳng với 6 cường quốc tham gia các cuộc đàm phán hạt nhân hiện đang bị đình trệ để khôi phục hiệp ước hạt nhân năm 2015.
Các nhà phân tích cho rằng chiến thắng của ông Pezeshkian là một bước lùi đối với những người theo đường lối cứng rắn như đối thủ Saeed Jalili, người phản đối việc mở cửa với phương Tây hay khôi phục hiệp ước hạt nhân.
Tuy vậy, ông Pezeshkian hy vọng việc khôi phục các cuộc đàm phán với phương Tây sẽ khiến Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cứng rắn trong bối cảnh người dân ngày càng bất mãn vì những khó khăn kinh tế hiện nay. Tuy nhiên, Người phát ngôn Nhà Trắng John Kirby ngày 8/7 cho biết nước này chưa sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran dưới thời tổng thống mới.
Rủi ro nếu thay đổi là rất lớn
Đối với ông Pezeshkian, rủi ro là rất lớn. Tổng thống đắc cử của Iran có thể dễ bị ảnh hưởng về mặt chính trị nếu không khôi phục được hiệp ước mà Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump đã hủy bỏ vào năm 2018 và tái áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt với Iran.
Một cựu quan chức cấp cao theo tư tưởng cải cách của Iran đánh giá: “Ông ấy sẽ phải đối mặt với một chặng đường khó khăn phía trước... Việc ông Pezeshkian không thể khôi phục hiệp ước sẽ làm suy yếu vị trí tổng thống của ông và khiến phe ủng hộ cải cách từng đứng về phía ông phản ứng một cách dữ dội”. Với Iran, khôi phục quan hệ với Mỹ, vẫn là điều không thể.
Nền kinh tế vẫn là “gót chân Achilles” của Lãnh tụ tối cao Khamenei, nên việc thoát khỏi các lệnh trừng phạt tàn khốc của Mỹ vốn đã khiến Iran đánh mất hàng tỷ USD thu nhập từ dầu mỏ vẫn sẽ là mục tiêu kinh tế hàng đầu của tân Tổng thống. Giá cả tăng vọt và sức mua bị hạn chế khiến hàng triệu người Iran phải chật vật với các lệnh trừng phạt và cả tình trạng quản lý yếu kém của chính phủ.
Theo ông Khamenei, khó khăn kinh tế là một thách thức dai dẳng. Lãnh đạo Iran lo sợ các cuộc biểu tình của những người có mức thu nhập thấp và trung bình từng xảy ra năm 2017 sẽ tái diễn.
Các nhà phân tích cho rằng triển vọng kinh tế Iran có vẻ ngày càng trở nên không chắc chắn, với khả năng ông Donald Trump quay trở lại chiếc ghế Tổng thống Mỹ, dẫn đến việc quốc gia này sẽ siết chặt các lệnh trừng phạt dầu mỏ nghiêm ngặt.
Tổng thống đắc cử Pezeshkian là người trong cuộc và có mối quan hệ thân thiết với Lãnh tụ Khamenei theo chủ nghĩa thần quyền, ông cũng có khả năng thiết lập cầu nối giữa các phe phái và tạo ra sự ôn hòa, nhưng điều này sẽ không giúp ông thực hiện những thay đổi cơ bản mà những người Iran ủng hộ cải cách yêu cầu.
Theo các nhà phân tích, rất có thể ông Pezeshkian sẽ rơi vào tình thế tương tự như những người tiền nhiệm là Tổng thống theo chủ nghĩa cải cách Mohammad Khatami và người theo chủ nghĩa thực dụng Hassan Rouhani - những nhà lãnh đạo từng khơi dậy mong muốn thay đổi của người dân Iran song cuối cùng bị cản trở bởi những người theo đường lối cứng rắn trong giới tinh hoa.
Iran cũng sẽ khó thay đổi chính sách khu vực. Người có thẩm quyền cao nhất trong chính sách khu vực của Iran không phải là tổng thống, mà là IRGC, lực lượng chỉ chịu trách nhiệm trước Lãnh tụ Khamenei.
Ông Pezeshkian nhậm chức vào thời điểm căng thẳng tại Trung Đông leo thang do cuộc xung đột Israel-Hamas ở Dải Gaza và các động thái của Hezbollah ở Lebanon.
Hiện nay, không có dấu hiệu nào cho thấy chính sách khu vực của Iran có sự thay đổi. Ông Pezeshkian ngày 8/7 tái khẳng định lập trường chống Israel và sự ủng hộ của nước này đối với các phong trào trên khắp khu vực.