Tổng thống đắc cử Mỹ Biden đối mặt với áp lực khi chọn Tướng Austin làm Bộ trưởng Quốc phòng

Ngày 8/12, Tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức xác nhận sẽ đề cử Tướng bốn sao nghỉ hưu Lloyd Austin cho chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.

Tướng Lloyd Austin, người được ông Biden đề cử vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Ảnh: Getty Images

Tướng Lloyd Austin, người được ông Biden đề cử vào vị trí Bộ trưởng Quốc phòng. Ảnh: Getty Images

Trong thông báo, nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden nêu rõ: "Với thành tích quân sự nổi bật trong suốt 4 thập kỷ qua, Bộ trưởng Quốc phòng được đề cử Austin là một chỉ huy có nhiều kinh nghiệm và giàu thành tích, người đã phục vụ xuất sắc ở một số vị trí quan trọng nhất của Lầu Năm Góc".

Theo phân tích của mạng tin Axios, động thái này có thể sẽ gây ra cuộc tranh cãi trong nội bộ đảng Dân chủ về nguyên tắc dân sự giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Nhiều quan chức, nghị sĩ Dân chủ từng hoảng hốt khi phải chứng kiến mức độ chính trị hóa và sự xói mòn nguyên tắc “dân sự lãnh đạo Lầu Năm Góc” dưới thời Tổng thống Trump. Số này cảnh báo không có gì bảo đảm rằng ông Austin sẽ nhận được sự tán thành tại Quốc hội.

Tướng 4 sao Lloyd Austin, người từng giữ chức vụ Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM) nếu muốn được phê chuẩn làm Bộ trưởng Quốc phòng sẽ cần phải được Quốc hội chấp thuận. Bởi quy định hiện hành chỉ cho phép cựu tướng lĩnh, sĩ quan quân đội được nắm quyền lãnh đạo Lầu Năm góc nếu như người này giải ngũ được ít nhất 7 năm, mọi trường hợp khác cần có sự chấp thuận của Quốc hội.

Một nguồn thạo tin cho biết, đội chuyển giao quyền lực của ông Biden cũng đã bắt tay “tham vấn sớm” với giới nghị sĩ Quốc hội về trường hợp của Tướng Austin và nhận thấy rằng đây là rào càn cần làm sáng rõ để tìm cách vượt qua.

Phe Dân chủ là bên phản đối mạnh việc chấp nhận các trường hợp ngoại lệ. Thượng nghị sĩ Jack Reed từng tuyên bố “điều luật đặc cách chỉ nên xảy ra tối đa một lần trong một thế hệ. Vì thế, tôi sẽ không ủng hộ một miễn trừ khác đối với đề cử trong tương lai” khi ông đề cập đến việc Thượng viện đặc cách để phê chuẩn Tướng James Mattis làm Bộ trưởng Quốc phòng hồi năm 2017.

Một thượng nghị sĩ Dân chủ khác là bà Kirsten Gillibrand cũng khẳng định, dân sự nắm quyền lãnh đạo quân sự là nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ Mỹ và vì thế “tôi sẽ không bỏ phiếu cho trường hợp đặc cách với quy định này”.

Theo thống kê, trong 73 năm trở lại đây, Quốc hội Mỹ mới chỉ hai lần đặc cách cho giới tướng lĩnh. Mới nhất là trường hợp của ông Mattis, khi đem bỏ phiếu tại Thượng viện để được đặc cách, có 81 phiếu thuận, 17 phiếu chống (trong đó có 16 phiếu là của đảng Dân chủ). Tại Hạ viện, tỉ lệ có cân bằng hơn, với 268 phiếu thuận và 151 phiếu chống, trong đó chỉ có 36 nghị sĩ Dân chủ ủng hộ.

Hoài Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tong-thong-dac-cu-my-biden-doi-mat-voi-ap-luc-khi-chon-tuong-austin-lam-bo-truong-quoc-phong-20201209084109196.htm