Tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng có phải là 'món quà' đối với Nga?
Nếu như trước đây, nhiều ý kiến cho rằng, chiến thắng của ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2024 là một kịch bản dễ chịu hơn đối với Nga. Tuy nhiên, những tuyên bố cứng rắn của Tổng thống đắc cử Donald Trump và những ứng viên sáng giá nắm giữ những vị trí chủ chốt trong chính quyền Mỹ sắp tới dự báo những thách thức trong quan hệ Mỹ - Nga.
Khoảng gần 3 tuần nữa, hàng chục văn phòng ở Washington sẽ bắt đầu hoạt động với những con người mới do Tổng thống đắc cử Donald Trump bổ nhiệm. Ông Trump trở lại Nhà Trắng, được trang bị kinh nghiệm phong phú của nhiệm kỳ đầu tiên và được tham mưu bởi một đội ngũ khá thân thiết gồm những người có cùng chí hướng. Đối với Chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin, điều này có thể là lối ra chấm dứt các cuộc chiến kéo dài và tình trạng bị cô lập, hoặc cũng có thể là sự khởi đầu của 4 năm đầy những vấn đề mới.
Bài học trong nhiệm kỳ đầu
Trong năm 2016-2017, các đối thủ của Tổng thống Donald Trump dự đoán rằng, ông sẽ xây dựng mối quan hệ cá nhân hữu hảo với người đồng cấp Nga Vladimir Putin vì sự tương đồng trong tính cách mạnh mẽ của hai nhà lãnh đạo. Chính những nghi ngờ này cũng đã khiến ông Trump rơi vào cuộc chiến pháp lý liên quan đến việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Tuy nhiên, thực tế hoàn toàn trái ngược khi nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Donald Trump hóa ra lại gây ra nhiều vấn đề cho Moscow. Nếu như trước đây, Tổng thống Vladimir Putin được xem như là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, quyết đoán, được thể hiện thông qua quyết định tấn công chớp nhoáng chống Georgia và việc sáp nhập Crimea trước sự bối rối của phương Tây. Song, Mỹ trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Donald Trump, cũng quyết đoán, mạnh mẽ không kém, và gây ra nhiều vấn đề cho Nga.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu cung cấp vũ khí, thiết bị quân sự lớn cho Ukraine. Mỹ ủng hộ mạnh mẽ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với nòng cốt là người Kurd trở thành một lực lượng chính trị - quân sự không thể bỏ qua ở Syria. Điều này gián tiếp gây ra nhiều trở ngại cho chính sách hỗ trợ Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad và tiến trình hòa bình cho Syria mà Nga luôn muốn thúc đẩy. Liên quan đến những cáo buộc Nga đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal ở Anh, Nhà Trắng đã tiến hành trục xuất hàng loạt nhân viên ngoại giao bị cáo buộc là các sĩ quan tình báo Nga khỏi Mỹ. Việc Tổng thống Donald Trump yêu cầu các đồng minh NATO ở châu Âu chi ít nhất 2% GDP cho quốc phòng đã khởi xướng một cuộc tái vũ trang quy mô lớn ở một số quốc gia liên minh, chủ yếu ở Trung Âu.
Hiện nay, Tổng thống Donald Trump nói rằng, người châu Âu nên tăng chi tiêu quân sự lên 5% GDP. Giới phân tích quân sự cho rằng, mặc dù đang đối mặt với nhiều vấn đề tài chính, song các nước châu Âu sẽ không phản đối, ít nhất là ra mặt, đối với mức chi 5% GDP cho quốc phòng nhằm duy trì sự thống nhất của NATO và bảo đảm “chiếc ô” an ninh của Mỹ đối với chính họ. Thêm vào đó, cục diện chiến sự tại Ukraine đang diễn biến phức tạp, khó lường đã khiến ý tưởng tái vũ trang và hiện đại hóa quân đội châu Âu trở nên dễ chấp nhận hơn đối với cử tri. Trong những năm tới, châu Âu chắc chắc sẽ trở nên mạnh mẽ hơn về mặt quân sự. Với Nga, vốn đang bị tán phá bởi cuộc chiến kéo dài ở Ukraine, đây rõ ràng là một tin không tốt.
Sẽ sớm có cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga?
Mấu chốt trong quan hệ Mỹ-Nga hiện nay là cuộc xung đột ở Ukraine và chính sách của Chính quyền Tổng thống Donald Trump về vấn đề này vẫn đang là một dấu hỏi lớn. Cho đến khi các cuộc đàm phàn với sự tham gia của đại diện Nhà Trắng diễn ra, những thông tin rò rỉ từ đội ngũ của Tổng thống Donald Trump khó có thể tin cậy hoàn toàn. Giới phân tích chính trị cho rằng, chúng có thể là những tín hiệu nhằm thăm dò phản ứng của Nga và Ukraine, từ đó giúp Chính quyền Tổng thống Donald Trump xây dựng cách tiếp cận phù hợp, gây sức ép với cả hai nước. Thực tế, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã gặp Tổng thống đắc cử Donald Trump, nên không ngoại trừ khả năng ông Trump đã nắm được những mong muốn, yêu cầu từ phía Kiev. Do đó, vấn đề hiện nay là khi nào sẽ tiến hành các cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Mỹ-Nga để thể hiện rõ quan điểm của mỗi bên.
Theo DW, cựu đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump về vấn đề Ukraine, Kurt Volker, ông Trump sẽ sẵn sàng gây áp lực lên cả Moscow và Kiev để buộc họ ngồi vào bàn đàm phán. Với bản chất khó đoán định của tổng thống, không ai có thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Có thể Mỹ sẽ từ chối cung cấp vũ khí cho người Ukraine, hoặc có thể ngược lại, sẽ mở các khoản vay không giới hạn để Kiev tiếp nhận vũ khí Mỹ. Hiện có thông tin cho rằng, ông Trump phản đối việc mời Ukraine vào NATO, nhưng không loại trừ khả năng ông sẽ thay đổi quyết định nhằm “nắn gân” và buộc Nga phải nhượng bộ. Tổng thống Donald Trump dự định bổ nhiệm Marco Rubio, Mike Waltz và Keith Kellogg vào các vị trí chủ chốt như Ngoại trưởng, Cố vấn An ninh Quốc gia và Đại diện Đặc biệt về Ukraine. Họ đều là những người thực dụng và sẽ làm theo chỉ dẫn của tổng thống. Nhưng không ai trong số họ có thể được gọi là “bạn của Điện Kremlin” và liệu Quốc hội có chấp nhận đề cử của họ hay không?.
Cuối cùng, ngay cả khi Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đồng ý về điều gì đó thì chính sách trừng phạt của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đối với Nga liệu rằng sẽ được dỡ bỏ hoàn toàn? Có một điều chắc chắn rằng, các chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump đối với Iran và Trung Quốc sẽ có xu hướng cứng rắn. Đây có lẽ sẽ là một gợi mở để Nga xây dựng cách tiếp cận trong quan hệ với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump sắp tới.
Rõ ràng, không thể phủ nhận những khó khăn, thách thức mà nước Nga hiện nay đang phải đối mặt. Sự sụp đổ của chế độ Assad xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng trong số đó thể hiện “sự bất lực” của Nga khi không thể dàn trải lực lượng ra nhiều mặt trận. Cuộc xung đột với Ukraine kéo dài 3 năm không tránh khỏi những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế Nga. Đặc biệt, kể từ ngày 1/1/2025, Ukraine đã quyết định “khóa van” nguồn cung cấp khí đốt từ Nga sang châu Âu, khiến Nga mất đi một nguồn thu đáng kể bổ sung cho ngân sách quốc gia. Đây là những “điểm yếu” mà Tổng thống Donald Trump khó bỏ qua để có thể gây sức ép Nga ngồi vào bàn đàm phán trong vấn đề Ukraine.