Tổng thống Hàn Quốc đối mặt 'dư chấn' thiết quân luật
Áp lực đang bủa vây Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khi vừa phải đối mặt sự phản đối từ người dân, vừa phải xoay sở trước sức ép luận tội từ quốc hội.
Ngày 4-12, đảng Dân chủ và năm đảng đối lập nhỏ khác đã đệ trình lên quốc hội Hàn Quốc trong phiên họp toàn thể bản kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol về việc ban bố thiết quân luật vào cuối ngày 3-12.
Động thái này, một mặt chính thức khởi động tiến trình luận tội tổng thống Hàn Quốc, mặt khác cho thấy sự đối đầu gay gắt giữa đảng cầm quyền và phe đối lập.
Khởi động tiến trình luận tội tổng thống
Bản kiến nghị luận tội Tổng thống Hàn Quốc do 191 nghị sĩ đảng đối lập trình lên quốc hội vào trưa 4-12, chưa đầy một ngày sau khi ông Yoon dỡ bỏ lệnh thiết quân luật khẩn cấp. Không có nhà lập pháp nào của đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền tham gia kiến nghị, theo hãng thông tấn Yonhap.
Trong kiến nghị luận tội đệ trình lên quốc hội, phe đối lập cáo buộc việc ban bố thiết quân luật của tổng thống Hàn Quốc đã vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và luật pháp liên quan đến các nguyên tắc về chủ quyền nhân dân và phân chia quyền lực.
Kiến nghị luận tội cũng chỉ ra rằng việc thiết quân luật đã vi phạm quyền tự do ngôn luận khi đặt các cơ quan báo chí, truyền thông dưới sự kiểm soát của chế độ thiết quân luật cũng như cấm các cuộc tuần hành và biểu tình.
Trong phiên họp toàn thể quốc hội diễn ra trưa 5-12, Phó phát ngôn đảng Dân chủ Cho Seung-rae nói rằng đảng Dân chủ - đảng chiếm đa số trong quốc hội Hàn Quốc - có kế hoạch tổ chức cuộc bỏ phiếu ở quốc hội về kiến nghị luận tội Tổng thống Yoon vào khoảng 7 giờ tối 7-12. Lý do là để các nhà lập pháp của đảng Quyền lực Nhân dân cầm quyền (đảng của Tổng thống Yoon) có đủ thời gian cân nhắc về quyết định của họ đối với hành động của ông Yoon.
Theo luật, kiến nghị luận tội phải được đưa ra bỏ phiếu trong vòng 72 giờ kể từ khi được trình lên quốc hội. Để kiến nghị luận tội được thông qua, cần có hai phần ba số phiếu đồng ý, tức cần 200 trong tổng số 300 phiếu của quốc hội. Đảng Dân chủ và các đảng nhỏ khác đã chiếm 192 ghế, như vậy nếu tám nghị sĩ của đảng ông Yoon bỏ phiếu ủng hộ kiến nghị này thì Tổng thống Yoon sẽ bị luận tội.
Trong trường hợp kiến nghị luận tội nhận được ít hơn 200 phiếu ủng hộ thì Tổng thống Yoon vẫn sẽ tại vị. Ngược lại, nếu có từ đủ 200 phiếu trở lên, kiến nghị luận tội sẽ được thông qua và ông Yoon sẽ bị đình chỉ công việc ngay lập tức. Lúc đó, Thủ tướng Han Duck-soo sẽ trở thành quyền Tổng thống, thay ông Yoon lãnh đạo đất nước.
Kết quả luận tội sẽ được chuyển đến Tòa án Hiến pháp, và trong vòng 180 ngày tòa sẽ ra quyết định liệu ông Yoon có phạm tội mà quốc hội cáo buộc hay không, liệu những tội đó có đủ nghiêm trọng để bị luận tội hay không. Tuy nhiên, hiện tại Tòa án Hiến pháp còn ba ghế trống và không rõ liệu tòa án có thụ lý vụ án trước khi các ghế trống này được “lấp đầy” hay không.
Nếu có ít hơn sáu thẩm phán bỏ phiếu kết tội ông Yoon, ông sẽ được khôi phục lại chức vụ Tổng thống. Ngược lại, nếu có đủ sáu thẩm phán bỏ phiếu thuận trở lên, ông Yoon chính thức bị kết tội và bị cách chức tổng thống. Lúc đó, Thủ tướng Han Duck-soo sẽ trở thành quyền tổng thống. Một cuộc bầu cử tổng thống mới sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày.
Ngày 5-12, quốc hội Hàn Quốc do phe đối lập kiểm soát đã thông qua các kiến nghị luận tội đối với Chủ tịch Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc Choe Jae-hae, Chánh Văn phòng Công tố quận trung tâm Seoul Lee Chang-soo và hai công tố viên Cho Sang-won và Choi Jae-hun - cả hai đều là thuộc cấp của ông Lee.
Đối đầu đảng phái gay gắt
Liên quan kiến nghị luận tội Tổng thống Hàn Quốc, lãnh đạo đảng Dân chủ Lee Jae-myung tái khẳng định cam kết chắc chắn sẽ luận tội ông Yoon, mô tả việc ban bố thiết quân luật là "một nỗ lực đảo chính". Ông Lee nhận định ông Yoon "cố gắng thực thi toàn bộ quyền lực như một vị vua hoặc quân chủ chuyên chế, đặt mọi thể chế hiến pháp và quốc gia dưới sự kiểm soát của mình".
Ông Lee cũng thúc giục lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân Han Dong-hoon đảm nhận "trách nhiệm lịch sử" bằng cách chỉ đạo đảng cầm quyền tránh trở thành "đồng phạm của tội phản quốc".
Trong khi đó, ông Han khẳng định ông sẽ nỗ lực đoàn kết nội bộ đảng để ngăn chặn việc thông qua kiến nghị luận tội của các đảng đối lập. Ông Han cũng làm rõ rằng điều này không phải nhằm bảo vệ quyết định "thiết quân luật vi hiến" của Tổng thống Yoon mà nhằm ngăn chặn tác hại của tình trạng hỗn loạn chưa từng thấy gây ra với người dân và với những người ủng hộ đảng này.
Nghị sĩ này nói rằng những người gây bất ổn thông qua việc thiết quân luật, bao gồm tổng thống, sẽ phải chịu trách nhiệm, đồng thời bày tỏ quan điểm rằng Tổng thống Yoon nên rời khỏi đảng.
Hiện tại, giới chuyên gia pháp lý cũng chưa thống nhất về việc liệu hành động của Tổng thống Hàn Quốc có cấu thành tội nổi loạn, được định nghĩa là hành vi cố ý phá hoại hiến pháp hay không.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội hôm 4-12, GS. Han In-sup, chuyên ngành Luật hình sự tại ĐH Quốc gia Seoul (Hàn Quốc), cho rằng việc cố gắng ngăn cản các nhà lập pháp vào quốc hội là một ví dụ rõ ràng về hành vi cố ý phá hoại hiến pháp. Theo ông, bất kỳ ai, cảnh sát hoặc quân đội, dù tuân theo lệnh của tổng thống nhằm vô hiệu hóa chức năng của quốc hội đều có thể bị coi là đồng phạm trong cuộc nổi loạn.
Tuy nhiên, một số chuyên gia khác, như GS Kim Sang-kyum, ĐH Dongguk (Hàn Quốc) cho rằng sức nặng của lập luận này không lớn khi thực tế là các nhà lập pháp đã bỏ phiếu buộc Tổng thống Hàn Quốc bãi bỏ thiết quân luật và ông Yoon vẫn tuân theo quyết định này.
Nhiều chuyên gia khác cho rằng vẫn cần thời gian làm rõ và chờ Tổng thống Yoon công bố những bằng chứng cáo buộc phe đối lập có thiện cảm với Triều Tiên, nỗ lực chống phá đất nước, như tổng thống Hàn Quốc tuyên bố trong lệnh thiết quân luật, mới kết luận được ông có vi hiến hay không.
Cảnh sát điều tra cáo buộc Tổng thống Hàn Quốc phạm tội phản quốc vụ thiết quân luật
Hãng thông tấn Yonhap ngày 5-12 đưa tin cảnh sát Hàn Quốc đã mở cuộc điều tra về cáo buộc Tổng thống Yoon Suk-yeol và loạt nhân vật cấp cao phạm tội phản quốc khi ban bố thiết quân luật hôm 3-12.
Nhóm điều tra an ninh thuộc Văn phòng Điều tra Quốc gia của Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Hàn Quốc phụ trách cuộc điều tra sau khi có hai đơn kiện được đệ trình.
Một đơn kiện do đảng Tái thiết Hàn Quốc đối lập đệ trình. Đơn còn lại do một nhóm gồm 59 nhà hoạt động đệ trình.
Các đơn kiện không chỉ cáo buộc Tổng thống Yoon mà còn cả cựu Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun, Tham mưu trưởng Lục quân - Tướng Park An-su và Bộ trưởng Nội vụ Lee Sang-min về tội phản quốc và các cáo buộc liên quan khác về vai trò của họ trong việc ban bố và dỡ bỏ thiết quân luật sau đó vào sáng 4-12.
Cơ quan công tố và Văn phòng Điều tra Tham nhũng quan chức cấp cao cũng đã nhận được các đơn kiện cáo buộc ông Yoon về tội phản quốc và đang xem xét liệu có nên tiến hành điều tra riêng hay chuyển cho cảnh sát.
Nguồn PLO: https://plo.vn/video/tong-thong-han-quoc-doi-mat-du-chan-thiet-quan-luat-post823293.html