Tổng thống Hàn Quốc thăm Hà Lan: Tiếp xung lực cho tham vọng công nghệ của Seoul
Là nhà lãnh đạo Hàn Quốc đầu tiên công du Hà Lan kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ vào năm 1961, Tổng thống Yoon Suk Yeol muốn lồng ghép mục tiêu chiến lược của Seoul vào chuyến thăm đặc biệt này.
Phát biểu trước thềm chuyến công du 4 ngày tới Hà Lan, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol khẳng định, trong bối cảnh cạnh tranh công nghệ gay gắt giữa các quốc gia và khu vực, ngành công nghiệp bán dẫn dần chiếm vai trò chiến lược và những điều này nói lên ý nghĩa đặc biệt của chuyến thăm Hà Lan.
Như vậy, không nằm ngoài dòng chảy công nghệ chung của thế giới, Seoul xác định mục tiêu trọng tâm là xúc tiến hợp tác chất bán dẫn với Hà Lan - nơi đặt trụ sở công ty ASML phụ trách sản xuất máy in thạch bản cực tím (EUV) duy nhất trên thế giới. Có thể nói, chuyến công du là minh chứng mới nhất cho cam kết của ông Yoon Suk Yeol nhằm nâng tầm tiềm lực công nghệ và chất bán dẫn của Hàn Quốc.
Cơ sở chiến lược
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Tổng thống Hàn Quốc nỗ lực hiện thực hóa mục tiêu trên thông qua các chính sách và hoạt động thực tiễn. Cụ thể, ba tháng sau khi nhậm chức, ông Yoon Suk Yeol công bố “Kế hoạch phát triển công nghệ chiến lược quốc gia”, nhằm đưa các công nghệ chiến lược vào hệ thống xã hội và an ninh trong kỷ nguyên cạnh tranh công nghệ toàn cầu.
Trên tinh thần đó, Hàn Quốc tiến hành phát triển 12 loại công nghệ chiến lược, trong đó bao gồm chất bán dẫn, vốn được xem là chìa khóa chính cho tầm nhìn của Seoul.
Kế hoạch này sau đó trở thành tiền đề để ông Yoon Suk Yeol triển khai trên thực tế. Theo lời mời của Mỹ, Hàn Quốc đã tham gia Liên minh Chip 4 và có cuộc gặp trực tuyến hồi tháng 2/2023, nhằm củng cố chuỗi cung ứng chất bán dẫn vốn bị gián đoạn trong bối cảnh cuộc khủng hoảng toàn cầu do đại dịch Covid-19 gây ra.
Đến tháng 5/2023, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Ahn Duk-geun gặp người đồng cấp Trung Quốc Wang Wentao bên lề Hội nghị Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Hai nước quyết định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực chất bán dẫn và duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng công nghiệp.
Không chỉ bắt tay với Bắc Kinh, Seoul còn thắt chặt quan hệ với Washington, thể hiện thông qua cuộc gặp giữa Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Cho Tae-yong và người đồng cấp Mỹ Jake Sullivan tại Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, ngày 9/12.
Tại đây, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác công nghệ thế hệ mới, đặc biệt đẩy mạnh hợp tác giữa các trung tâm công nghệ bán dẫn.
Do đó, chuyến thăm Hà Lan lần này được kỳ vọng sẽ tiếp nối nỗ lực trước đó của chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol nhằm nâng cao tiềm lực công nghệ và sức cạnh tranh chất bán dẫn của Hàn Quốc.
Phát triển đối tác
Trước thềm chuyến công du, chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol nhiều lần nhấn mạnh trọng tâm của chương trình nghị sự là công nghệ và chất bán dẫn.
Ngày 7/12, Phó Cố vấn An ninh quốc gia Hàn Quốc Kim Tae-hyo cho biết, nước này có ý định kết hợp thiết bị công nghệ cao của Hà Lan với năng lực sản xuất của Hàn Quốc để tối ưu hóa khả năng bổ sung lẫn nhau của chuỗi giá trị chất bán dẫn; Seoul cũng sẽ thúc đẩy xây dựng liên minh chất bán dẫn giữa hai nước, gồm sự tham gia của chính phủ, doanh nghiệp và trường đại học. Trong khi đó, ông Yoon Suk Yeol bày tỏ hy vọng việc đẩy mạnh hợp tác với Hà Lan trong lĩnh vực bán dẫn sẽ giúp phát triển ngành công nghiệp quốc phòng Hàn Quốc.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ngày 12/12, Tổng thống Hàn Quốc, cùng với Nhà vua Hà Lan, Chủ tịch tập đoàn Samsung Electronics Lee Jae-yong và Chủ tịch tập đoàn SK Chey Jae-won đã đến thăm công ty ASML.
Tại đây, nhà lãnh đạo Hàn Quốc khẳng định, Hà Lan là nơi đặt trụ sở chính của công ty ASML, nơi sản xuất máy EUV, vốn là thành phần quan trọng để sản xuất chất bán dẫn. Do đó, chuyến thăm công ty ASML đánh dấu bước ngoặt quan trọng với liên minh chất bán dẫn Hàn Quốc-Hà Lan.
Bên cạnh đó, việc Chủ tịch của hai tập đoàn công nghệ Hàn Quốc tháp tùng Tổng thống Yoon Suk Yeol đến ASML mang hàm ý quan trọng, mở ra hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước.
Từ tháng 7/2021, tập đoàn SK bắt đầu sản xuất hàng loạt DRAM di động sử dụng thiết bị EUV. Nhằm ổn định quy trình sản xuất chip, công ty đang nỗ lực mua thêm nhiều máy EUV. Do đó, cuộc gặp của ông Chey Tae-won với lãnh đạo ASML mở ra hy vọng ký hợp đồng nhập khẩu thêm máy EUV.
Hơn nữa, ASML còn có kế hoạch đầu tư khoảng 1 nghìn tỷ Won (761 triệu USD) với tập đoàn Samsung Electronics để thành lập cơ sở nghiên cứu về công nghệ xử lý chip tiên tiến ở Hàn Quốc.
Cũng trong chuyến thăm, Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Ahn Duk-geun đã ký biên bản ghi nhớ với người đồng cấp Hà Lan để thành lập học viện về công nghệ bán dẫn tiên tiến. Theo đó, học viện sẽ cung cấp chương trình đào tạo cho sinh viên Đại học Công nghệ Eindhoven và các tổ chức Hàn Quốc.
Như vậy, không phải ngẫu nhiên mà Tổng thống Yoon Suk Yeol chọn Hà Lan làm nơi công du, bởi Seoul muốn tận dụng năng lực chất bán dẫn của Amsterdam nói chung và công ty ASML nói riêng, để tăng cường nội lực đất nước trên lĩnh vực công nghệ. Chuyến công du Hà Lan không chỉ phù hợp với “Kế hoạch phát triển công nghệ chiến lược quốc gia” mà ông Yoon Suk Yeol đề ra từ đầu nhiệm kỳ, mà còn giúp Hàn Quốc bắt kịp với xu thế chuyển đổi số của thế giới.