Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật
Ngày 4-12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã phải tuyên bố sẽ dỡ bỏ lệnh thiết quân luật mà ông đã áp đặt chỉ vài giờ trước đó, tuân theo kết quả bỏ phiếu của Quốc hội phản đối biện pháp này.
Các nhà lập pháp Hàn Quốc đã tức giận bác bỏ lệnh thiết quân luật mà Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bất ngờ ban hành khi người biểu tình tập trung bên ngoài trụ sở Quốc hội trong cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất nhiều thập kỷ.
Hãng tin Reuters ngày 4-12 dẫn trả lời phỏng vấn của một nhà phân tích cho biết việc Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol bất ngờ ban hành lệnh thiết quân luật là một “động thái cực đoan”, có khả năng bắt nguồn từ sự thất vọng của ông trước tình trạng bế tắc chính trị.
Tuy nhiên, vào ngày 4-12, Tổng thống Hàn Quốc đã phải tuyên bố sẽ dỡ bỏ lệnh thiết quân luật mà ông đã áp đặt chỉ vài giờ trước đó, tuân theo kết quả bỏ phiếu của Quốc hội phản đối biện pháp này.
Giáo sư Celeste Arrington của Đại học George Washington nhận định rằng ông Yoon là một chính trị gia thường xuyên đối đầu với Quốc hội do phe đối lập kiểm soát và việc tuyên bố thiết quân luật là không phù hợp với Hiến pháp Hàn Quốc.
Theo bà Arrington, Hiến pháp Hàn Quốc chỉ cho phép tuyên bố thiết quân luật trong những trường hợp khẩn cấp quốc gia nghiêm trọng, chẳng hạn như thời chiến hoặc các sự cố cần thiết về quân sự và tình huống mà ông Yoon đưa ra để ban hành lệnh thiết quân luật không phù hợp với các tiêu chí đó.
Ngày 3-12, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã tuyên bố thiết quân luật nhằm ngăn chặn “các lực lượng chống phá nhà nước” trong số những đối thủ của mình.
Tuy nhiên, các nhà lập pháp Hàn Quốc tức giận đã bác bỏ sắc lệnh này, trong khi người biểu tình tập trung bên ngoài trụ sở Quốc hội trong cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất ở nước này trong nhiều thập kỷ.
Sắc lệnh bất ngờ của Tổng thống Hàn Quốc được ông nhấn mạnh là nhằm vào các đối thủ chính trị, đã bị 190 nhà lập pháp tại Quốc hội nhất trí bác bỏ. Ngay cả đảng của ông Yoon cũng kêu gọi ông rút lại sắc lệnh này.
Theo quy định pháp luật Hàn Quốc, tổng thống phải ngay lập tức hủy bỏ lệnh thiết quân luật nếu Quốc hội yêu cầu thông qua một cuộc bỏ phiếu đa số.
Cuộc khủng hoảng tại Hàn Quốc, một quốc gia đã trở thành nền dân chủ từ những năm 1980 và là đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Á đã gây ra mối lo ngại quốc tế.
Theo Giáo sư Arrington, Hàn Quốc là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Mỹ ở Đông Á. Quan hệ giữa Seoul và Washington rất quan trọng trong việc đối phó với mối đe dọa trong khu vực.
“Vì vậy, sự bất ổn ở Seoul do cuộc khủng hoảng chính trị mà Tổng thống Yoon gây ra với tuyên bố thiết quân luật có khả năng gây tổn hại đến lợi ích của chính quyền Biden trong việc củng cố cấu trúc liên minh tại Đông Bắc Á”, Giáo sư Arrington nhận định.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 3-12, Mỹ cho biết họ đang theo dõi tình hình tại Hàn Quốc với “mối quan ngại sâu sắc” sau tuyên bố thiết quân luật của Tổng thống Yoon Suk Yeol và hy vọng cuộc khủng hoảng sẽ được giải quyết một cách hòa bình, phù hợp với pháp quyền.
Bộ Ngoại giao Anh ra tuyên bố bày tỏ quan ngại trước những diễn biến tại Hàn Quốc, đồng thời kêu gọi công dân Anh đang có mặt tại quốc gia Đông Á này theo dõi sát tình hình để đảm bảo an toàn. Nga và Nhật Bản cũng bày tỏ quan ngại về tình hình tại Hàn Quốc.
Theo Giáo sư Arrington, người dân Hàn Quốc đã lo ngại về “khả năng bất ổn hoặc khó dự đoán” từ chính quyền mới của Donald Trump và cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ chỉ làm tăng thêm những lo ngại này.