Tổng thống Indonesia tuyên bố sử dụng mọi quyền hành nhằm ứng phó với dịch COVID-19

Ngày 20/3, Tổng thống Indonesia Joko Widodo tuyên bố sẽ sử dụng 'tất cả quyền lực nhà nước' nhằm giải quyết các vấn đề y tế và kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 19/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia, ngày 19/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Phát biểu với các phóng viên, ông Widodo cho biết giới chức nước này cùng ngày đã khởi động chương trình xét nghiệm nhanh COVID-19 tại các khu vực đã có các trường hợp nhiễm bệnh. Các nhà hoạch định chính sách Indonesia cũng đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế khi đồng nội tệ rupiah rơi xuống mức đáy kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998.

Phát biểu tại cuộc họp nội các hẹp cùng ngày, Tổng thống Widodo cũng kêu gọi các bộ trưởng tập trung ngân sách vào các vấn đề chăm sóc y tế, an sinh xã hội và kích thích kinh tế nhằm ứng phó với các tác động của đại dịch COVID-19. Theo người đứng đầu nhà nước Indonesia, đại dịch COVID-19 không chỉ gây rủi ro lớn cho sức khỏe cộng đồng mà còn cả cho nền kinh tế.

Cùng ngày 20/3, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Sri Mulyani Indrawati cho biết đã nâng mức quản lý khủng hoảng từ “cảnh giác” lên “sẵn sàng”, đồng thời cảnh báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này có thể chỉ rơi vào khoảng 0 - 2,5% nếu dịch bệnh viêm đường hô hấp COVID-19 kéo dài.

Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến, bà Indrawati cho biết kịch bản kinh tế Indonesia không tăng trưởng xảy ra trong trường hợp dịch COVID-19 kéo dài 3-6 tháng, thương mại toàn cầu sụt giảm và Indonesia phong tỏa đất nước. Năm ngoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia “vạn đảo” đạt 5,02%. Cũng theo bà Indrawati, chính phủ sẽ dành khoản ngân sách 62.300 tỷ rupiah (3,85 tỷ USD) để hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19, tăng so với số tiền 17.170 tỷ rupiah được công bố trước đó.

Bộ trưởng Indrawati cho biết thêm chính phủ nước này sẵn sàng có các động thái nhanh chóng nhằm duy trì thị trường tài chính trước áp lực toàn cầu do dịch bệnh COVID-19. Bà Indrawati – đồng thời là Chủ tịch Diễn đàn Hệ thống Ổn định Tài chính Indonesia (FSSF) - tuyên bố sẽ sử dụng tất cả các công cụ từng được sử dụng trong cuộc khủng hoảng năm 1998, đồng thời hy vọng rằng dịch bệnh sẽ không kéo dài và nền kinh tế trong nước có thể sớm hồi phục.

Đến nay, Indonesia ghi nhận thêm 60 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 32 ca tử vong do virus này, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 369 ca.

Cùng ngày, Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) và lãnh đạo cộng đồng người Rohingya tại Malaysia đang đẩy mạnh các nỗ lực nhằm giúp những người tị nạn Rohingya tham dự lễ hội truyền giáo tại thánh đường Hồi giáo Sri Petaling tiến hành lấy mẫu kiểm tra virus SARS-Cov-2 gây bệnh viêm đường hô hấp COVID-19. Sự kiện tôn giáo này diễn ra từ ngày 28/2 đến 1/3 và ước tính có 16.000 người tham dự, trong đó đã ghi nhận hơn 670 trường hợp mắc bệnh này.

Các cơ quan chức năng đang nỗ lực tìm khoảng 2.000 người Rohingya đã tham gia sự kiện này. Do bị xem là nhập cư bất hợp pháp, những người tị nạn có tâm lý lo sợ khi xét nghiệm. Theo Chủ tịch Hội những người Rohingya tại Malaysia Bo Min Naing, hội đã vận động những người trong cộng đồng nếu tham dự sự kiện này cần tiến hành kiểm tra xét nghiệm.

Trên website của mình, UNHCR Malaysia yêu cầu Chính phủ Malaysia không tiến hành bắt giữ những người tị nạn hoặc thuyền nhân không có giấy tờ hợp pháp hoặc giấy phép cư trú đã hết hạn.

Tính đến chiều 20/3, Malaysia phát hiện 1.030 trường hợp nhiễm SARS-Cov-2, cao nhất ở Đông Nam Á. Có 130 ca mới được công bố trong ngày 20/3, trong đó có 48 ca có tham gia sự kiện tôn giáo tại Malaysia. Theo nhà chức trách, hơn 670 ca nhiễm COVID-19 tại Đông Nam Á có liên quan với sự kiện tôn giáo trên.

Để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, ngày 16/3, Thủ tướng Muhyddin Yassin công bố lệnh đóng cửa đất nước trong 2 tuần từ ngày 28-31/3. Cả quân đội và cảnh sát Hoàng gia Malaysia đều được tăng cường các hoạt động tuần tra, đảm bảo người dân thực hiện nghiêm chỉnh lệnh phong tỏa của chính phủ.

Đình Ánh - Nguyễn Hằng - Mạnh Tuân (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/the-gioi/tong-thong-indonesia-tuyen-bo-su-dung-moi-quyen-hanh-nham-ung-pho-voi-dich-covid19-20200320171427749.htm