Tổng thống Mông Cổ và Phu nhân sắp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao ngày 27/10, nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 1-5/11.
Việt Nam và Mông Cổ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời. Hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 17/11/1954. Một năm sau, vào tháng 7/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Việt Nam lần đầu tiên thăm Mông Cổ. Tháng 9/1959, Bí thư thứ nhất Đảng Nhân dân Cách mạng Mông Cổ, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Yu. Tsedenbal dẫn đầu đoàn đại biểu Đảng, Chính phủ Mông Cổ thăm Việt Nam. Kể từ đó, hai nước thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là đoàn cấp cao.
Mông Cổ mở cơ quan đại diện thường trú tại Hà Nội ngày 9/6/1959 và Việt Nam mở Cơ quan đại diện thường trú tại Ulaanbaatar ngày 13/02/1960.
Về chính trị, hợp tác an ninh và quốc phòng, trao đổi đoàn, tiếp xúc song phương được duy trì thường xuyên. Hai nước luôn giúp đỡ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế.
Từ năm 1992, mặc dù đã chuyển sang chế độ đa nguyên đa đảng, nhưng Mông Cổ vẫn coi Việt Nam là đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á. Trong tiếp xúc gần đây, Mông Cổ nhiều lần nhấn mạnh coi trọng quan hệ với Việt Nam, coi Việt Nam là đối tác quan trọng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng nhất tại khu vực Đông Nam Á. Hiện hai bên đang xem xét, nghiên cứu thiết lập khuôn khổ quan hệ lên Đối tác toàn diện.
Về hợp tác kinh tế, thương mại, do nhiều nguyên nhân khách quan, nhất là về địa lý và vận tải, hợp tác trong lĩnh vực này giữa hai nước còn duy trì ở mức khiêm tốn. Năm 1996, hai bên ký Hiệp định về hợp tác thương mại. Trao đổi ngoại thương những năm 1994-1995 đạt 5-6 triệu USD, gần đây tăng trưởng nhanh, năm 2020 đạt khoảng 50 triệu USD, năm 2021 đạt khoảng 80 triệu USD, năm 2022 đạt 85 triệu USD, 8 tháng đầu năm 2023 dự kiến đạt 75 triệu USD...
Về hợp tác văn hóa, nghệ thuật và thể thao: năm 2009, hai bên đã đặt tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và khai trương Phòng trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trường Trung học số 14 mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh, thủ đô Ulaanbaatar. Năm 2013, Việt Nam và Mông Cổ phối hợp cùng sản xuất bộ phim Cuộc sống như một bộ phim của Mông Cổ với các cảnh quay tại Việt Nam và được trình chiếu rộng rãi tại cả hai nước. Từ năm 2014, phía Mông Cổ thường xuyên cử đoàn nghệ thuật tham gia Festival Huế...
Hai bên duy trì phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trong các hoạt động và diễn đàn quốc tế. Mông Cổ ủng hộ Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và 2020-2021, ủng hộ Việt Nam vào Hội đồng chấp hành UNESCO khóa 2010-2013 và thành viên Liên hợp quốc về Luật Thương mại quốc tế UNCITRAL nhiệm kỳ 2019-2025, ủng hộ Việt Nam vào Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) nhiệm kỳ 2023-2028.
Việt Nam ủng hộ Mông Cổ tham gia Ban chấp hành ECOSOC nhiệm kỳ 2010-2013, sẵn sàng hỗ trợ, giúp Mông Cổ mở rộng quan hệ với các nước ASEAN và gia nhập APEC khi tổ chức này kết nạp thành viên mới.