Tổng thống Mỹ Biden sẽ cứng rắn với Trung Quốc đến đâu?
Khi việc thực thi chính sách với Trung Quốc bước vào giai đoạn mới, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ phải quyết định ông muốn cứng rắn với Trung Quốc ở mức độ nào và thuyết phục các đồng minh và đối tác đứng về phía mình ra sao.
Bước vào giai đoạn mới
Cho đến nay, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã làm tốt việc chứng minh với những người còn hoài nghi ông ở châu Á rằng ông không hề mềm yếu với Trung Quốc. Trong nhiều lĩnh vực, 100 ngày của ông Biden được đánh dấu bằng việc tiếp tục những di sản của cựu Tổng thống Donald Trump thay vì thay đổi chúng.
Nhận định này được rút ra một phần là bởi Tổng thống Biden coi các lựa chọn chính sách của ông sẽ không kéo dài mãi mãi và Mỹ đang cố gắng tìm kiếm một vị trí hợp lý giữa cạnh tranh và hợp tác trong quan hệ với Trung Quốc. Khi thúc đẩy các chính sách, ông Biden cũng đồng thời phải đảm bảo được sự cân bằng giữa những cam kết về vai trò của Mỹ ở châu Á với việc tiến hành nhiều động thái quyết đoán hơn nhằm chống lại những hành động của Trung Quốc mà nhiều nước cho là gây mất ổn định khu vực.
Mỹ đã có những tiến triển nhất định trong quan hệ với Trung Quốc về các vấn đề như biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, Washington vẫn duy trì hầu hết các biện pháp trừng phạt thương mại của cựu Tổng thống Trump và có những tuyên bố cứng rắn về các vấn đề như Tân Cương. Dù vậy, nhìn chung, bức tranh quan hệ 2 nước vẫn khá ôn hòa.
"Chúng tôi không tìm kiếm xung đột nhưng chúng tôi biết sẽ có sự cạnh tranh vô cùng gay gắt", ông Biden nhận định.
Hiện nay, Mỹ đang bước vào một giai đoạn khác trong việc thực thi chính sách với Trung Quốc. Tổng thống Biden sẽ phải đưa ra những thay đổi chính sách cụ thể hơn trong những tháng tới và vì thế phải suy nghĩ về việc các đồng minh và đối tác của ông sẽ phản ứng thế nào. Một số nước ở châu Á hoan nghênh hướng tiếp cận cứng rắn hơn của Mỹ với Trung Quốc, chẳng hạn như các thành viên của Quad như Ấn Độ và Nhật Bản. Tuy nhiên, các nước này vẫn thận trọng với việc Mỹ gia tăng căng thẳng vượt ngoài giới hạn.
Do đó, cùng với việc đảm bảo các cam kết trong khu vực thì Mỹ cũng phải cho thấy nước này là một đối tác có thể giải quyết các vấn đề trong khu vực. Đây là hướng tiếp cận được nhà ngoại giao Kurt Campbell thực hiện, người dẫn đầu những động thái gần đây nhằm thúc đẩy một thỏa thuận giữa Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ về việc sản xuất vaccine Covid-19 cho các nước châu Á đang phát triển khác.
Ông Campbell cho biết ông mong rằng sẽ có những chính sách ngoại giao hiệu quả hơn với Trung Quốc trong tương lai về những vấn đề như biến đổi khí hậu và Iran.
"Nếu chúng tôi có thể thiết lập một khung cạnh tranh tương đối ổn định và dễ đoán, tôi nghĩ đây sẽ là một thắng lợi khiêm tốn", nhà ngoại giao này nhận định với Financial Times. Hướng tiếp cận của ông nhằm xây dựng liên minh mới giải quyết các vấn đề trong khu vực có thể sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác, chẳng hạn như các quy định công nghệ và tính bền vững của chuỗi cung ứng, cho phép Mỹ thúc đẩy quan hệ với châu Á mà không cần đối đầu trực tiếp với Bắc Kinh.
Sự cân bằng mong manh
Tuy nhiên, chiến lược này vẫn phải đáp ứng những mong đợi của giới chức Washington, những người muốn thúc đẩy một lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc, cả trong những phát biểu lẫn những chính sách thực thi.
Những động thái này có thể bắt đầu vào tháng 6 này khi Nhóm Phân tích về Trung Quốc của Lầu Năm Góc công bố bản đánh giá nhanh về chính sách với Trung Quốc do Ely Ratner dẫn đầu, vốn là một quan chức cấp cao được biết tới với những lập trường cứng rắn.
Bất kỳ động thái nào leo thang căng thẳng với Trung Quốc dường như đều được hoan nghênh ở Mỹ.
"Bầu không khí chính trị ở Washington DC rất gay gắt. Mọi người đều coi cạnh tranh là thể hiện sự cứng rắn", một cựu quan chức ngoại giao Mỹ cho hay. Tuy nhiên, hướng tiếp cận quá cứng rắn này có thể gây nên sự bất an ở một sô khu vực châu Á khi mà nhiều nước vẫn đang quay cuồng trong việc ứng phó với Covid-19 và phục hồi sau đại dịch.
Theo SCMP, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã nhận định trong một cuộc trả lời phỏng vấn tại Diễn đàn Toàn cầu về Phục hồi kinh tế do Phòng Thương mại Mỹ tổ chức hôm 19/5 rằng, Mỹ và Trung Quốc phải tìm cách hợp tác thậm chí cả khi không có sự tin tưởng hoàn toàn giữa 2 bên bởi nếu mối quan hệ này tiếp tục lao dốc, nguy cơ xung đột quân sự có thể gây nên những hậu quả thảm khốc cho phần còn lại của thế giới.
Ông Lý Hiển Long cho rằng 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới có sức mạnh kinh tế và công nghệ vô cùng lớn cũng như những đội quân mạnh, do đó sẽ không thể tránh nổi thương vong và tổn thất nếu một cuộc xung đột trên quy mô lớn xảy ra.
Trong những tháng gần đây, cả Mỹ và Trung Quốc đều thúc đẩy sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và khu vực quanh Eo biển Đài Loan, làm dấy lên mối lo ngại về một cuộc xung đột quân sự trong khu vực.
Một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm nay cho thấy, cứ 10 người Mỹ thì có 9 người coi Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh hoặc kẻ thù, trong khi phần lớn đều ủng hộ việc gây sức ép với Bắc Kinh về vấn đề nhân quyền và kinh tế.
Trong khi đó, ngày càng nhiều người Trung Quốc thể hiện sự không hài lòng trước những điều họ cho là những nỗ lực của Mỹ nhằm ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc trên các lĩnh vực như kinh tế, quân sự và công nghệ.
Với những gì diễn ra trong thời gian qua, không thể phủ nhận sự cứng rắn của chính quyền Tổng thống Biden với Trung Quốc. Tuy nhiên, xác định lập trường cứng rắn là một chuyện, đẩy lập trường cứng rắn đó đi xa đến đâu lại là chuyện khác. Nhà lãnh đạo Mỹ sẽ phải quyết định ông muốn cứng rắn với Trung Quốc ở mức độ nào và thuyết phục các đồng minh và đối tác châu Á đứng về phía mình ra sao.
100 ngày đầu tiên của ông Biden có thể gọi là tạm trôi qua suôn sẻ. Tuy nhiên, duy trì sự cân bằng đó trong suốt năm đầu nhiệm kỳ sẽ không phải việc dễ dàng./.