Tổng thống Mỹ Biden thay đổi mạnh mẽ cách tiếp cận của Mỹ đối với ngành dầu mỏ
AP, Fox News ngày 3/6/2021 bình luận việc Tổng thống Biden ký một loạt các quyết định hành pháp về môi trường cho thấy Tổng thống Biden đã thay đổi mạnh mẽ cách tiếp cận của Mỹ đối với ngành dầu mỏ như thế nào.
Ngày 1/6, Tổng thống Biden đã ký quyết định rút lại giấy phép của các hợp đồng khoan thăm dò dầu trong Khu bảo tồn quốc gia động vật hoang dã ở Bắc Cực (ANWR), bước đi mới đây nhất trong một loạt các thay đổi chính sách sâu rộng của Mỹ đối với ngành dầu mỏ. Gina McCarthy, Cố vấn khí hậu quốc gia của Nhà Trắng nhấn mạnh “Ngày hôm nay đánh dấu một bước đi quan trọng theo hướng thực hiện cam kết của Tổng thống Biden bảo vệ Khu bảo tồn quốc gia động vật hoang dã Bắc Cực”.
Quyết định của Bộ trưởng Nội vụ Deb Haaland dừng chương trình khoan thăm dò được chính quyền Trump thông qua, đã làm sống lại cuộc đấu tranh liên quan khu vực xa xôi rộng 19,6 triệu mẫu Anh, quê hương của gấu bắc cực, tuần lộc và các động vật hoang dã bắc cực khác. Khu bảo tồn quốc gia có gần 1,6 triệu mẫu Anh đồng bằng ven bờ biển, là khu vực nhạy cảm môi trường và có nhiều triển vọng về nguồn dầu khí. Theo Cơ quan Quản lý Đất đai của Bộ Nội vụ, chính quyền Trump đã cấp giấy phép trong 10 năm, tính từ ngày 6/01/2021, cho 9 khu vực rộng hơn 430.000 mẫu Anh. Các Nghị sỹ Cộng hòa và ngành dầu mỏ trong nhiều năm đã nỗ lực mở cửa cho các hoạt động khoan thăm dò tại khu bảo tồn, vốn được coi là thiêng liêng đối với người bản địa Gwich’in. Các nghị sỹ Dân chủ, các nhóm môi trường và người bản địa Alaska cố gắng ngăn chặn hoạt động dầu khí.
Quyết định dừng các giấy phép là tạm thời, tuy nhiên các quan chức chính quyền từ chối cho biết việc đình chỉ này kéo dài trong bao lâu. Cũng chưa rõ thẩm quyền pháp lý của chính quyền tới mức nào đối với việc ngừng khoan thăm dò dầu khí tại khu vực rộng 23 triệu mẫu Anh (9 triệu ha) mà trước đó đã cấp phép cho các công ty năng lượng. Tuy nhiên, quyết định này đánh dấu sự thay đổi chính sách quan trọng nhất gần đây của Nhà Trắng về dầu mỏ. Từ khi nhậm chức tháng 1/2021, Tổng thống Biden đã ký nhiều quyết định hành pháp sâu rộng liên quan đến vấn đề môi trường, trong đó có việc ngừng cấp giấy phép khai thác dầu trong vùng đất của chính quyền liên bang, tái gia nhập thỏa thuận Paris về khí hậu, xóa bỏ các trợ cấp có lợi cho ngành nhiên liệu hóa thạch, rút lại giấy phép xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL Pipeline, chuyển đổi các xe ô tô của chính phủ sang ô tô điện. Đường ống Keystone Pipeline dẫn dầu thô từ Canada sang Texas, đi qua các bang miền trung bờ tây nước Mỹ. Quyết định của Tổng thống Biden đã rút giấy phép xây dựng đối với đoạn mở rộng, từ đường ống chính của Keystone Pipeline, từ tỉnh Alberta, Canada, tới các bang Ilinois và Texas của Mỹ.
Tổng thống Biden gọi các quyết định trên là một phần của nỗ lực “siêu nạp năng lượng cho chương trình tham vọng của chính quyền để đối mặt với mối đe dọa sống còn về biến đổi khí hậu”. Mặc dù Tổng thống Biden không vận động cho Thỏa thuận Xanh mới (Green New Deal), một đề nghị tham vọng được Nghị sỹ Alexandria Ocasio-Cortez và Thượng Nghị sỹ Ed Markey đưa ra năm 2019 muốn đạt trung hòa carbon trong nền kinh tế vào năm 2030, nhưng cho biết đề nghị đó là “một phần thiết yếu” trong kế hoạch của mình.
Tổng thống Biden cũng cam kết sẽ dừng một nửa việc cấp giấy phép khai thác dầu và khí tại các vùng nước và đất liên bang, nơi chiếm tới gần 25% sản lượng dầu khí của Mỹ. Theo Ben Cahill, nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế CSIS, các công ty có giấy phép còn hạn sẽ không bị ảnh hưởng, nhưng các giấy phép thăm dò và sản xuất sắp hết hạn sẽ chịu tác động, cũng như thuế tài nguyên của các bang sẽ bị hạn chế. Theo nghiên cứu của Đại học Wyoming, chuyên về ngành dầu khí, dự kiến khoảng 300.000 việc làm sẽ bị mất vào năm 2025 do các lệnh cấm, và có thể tác động đến các bang phụ thuộc vào dầu khí như bang Wyoming và New Mexico./.