Tổng thống Mỹ chỉ trích vấn nạn tin giả về vắcxin trên mạng xã hội

Tiêm vắcxin Johnson & Johnson ngừa COVID-19 cho người dân tại New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

* Pfizer đồng ý trả 345 triệu USD để dàn xếp vụ kiện về giá EpiPen

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 16/7 đã chỉ trích rằng các mạng xã hội đang “sát hại con người” khi không thể kiểm soát những thông tin sai lệch về đại dịch COVID-19 và việc tiêm phòng vắcxin để ngăn ngừa căn bệnh này.

Phát biểu với báo giới, ông Biden nhấn mạnh: “Mạng xã hội đang sát hại con người. Dịch bệnh chỉ còn lây lan ở những người không tiêm vắcxin”.

Nhà Trắng đang gia tăng áp lực đối với các công ty truyền thông xã hội nhằm loại bỏ những thông tin sai lệch về việc tiêm vắcxin ngừa COVID-19. Số ca mắc COVID-19 tại Mỹ đã tăng hơn 70% trong tuần qua, riêng số ca tử vong tăng tới 26% tại các vùng có tỉ lệ tiêm chủng thấp.

Theo giới chức y tế Mỹ, sự gia tăng đột biến hiện nay về số ca mắc và tử vong do COVID-19 trên khắp nước Mỹ hầu như chỉ xảy ra ở những người chưa được tiêm phòng. Trong khi đó, có tới 80% số các ca mắc COVID-19 mới là do nhiễm biến thể Delta.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ - ông Rochelle Walensky ngày 16/7 cho biết nhiều người đã từ chối tiêm chủng, mặc dù việc tiêm phòng rất dễ thực hiện trên khắp nước Mỹ.

Lý do của họ chủ yếu là do không tin tưởng vào vắcxin và chủ nghĩa hoài nghi này đã và đang tiếp tục được thúc đẩy bởi những thông tin sai lệch lan truyền trên các mạng xã hội, do các nhà hoạt động chống vắcxin và các chính trị gia thuộc Đảng Cộng hòa, những người vốn cho rằng việc tiêm chủng là một phần của những nỗ lực kiểm soát của chính phủ.

Cũng trong ngày 16/7, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã chỉ trích Facebook và cho rằng mạng xã hội này chưa làm đủ trách nhiệm trong việc ngăn chặn thông tin sai lệch về COVID-19. Bà cho biết: "Họ đã có vài động thái, nhưng họ hoàn toàn có thể làm quyết liệt hơn thế. Cần phải nhanh chóng thực hiện bổ sung nhiều biện pháp nữa”.

Theo bà Psaki, "Có 12 người đang sản xuất ra 65% lượng thông tin sai lệch về việc tiêm vắcxin ngừa COVID-19 trên các nền tảng truyền thông xã hội. Hiện tất cả những đối tượng này vẫn hoạt động trên Facebook, mặc dù một số đã bị cấm trên các nền tảng khác”.

Đáp lại những nhận định trên của giới chức Mỹ, phát ngôn viên Facebook Kevin McAlister nêu rõ: "Chúng tôi sẽ không bị phân tâm bởi những cáo buộc sai sự thật. Hơn 2 tỉ người đã xem các thông tin có đầy đủ căn cứ về COVID-19 trên Facebook, nhiều hơn bất kỳ đâu trên mạng Internet. Hơn 3,3 triệu người Mỹ cũng đã sử dụng công cụ của chúng tôi để tìm ra các điểm tiêm chủng, cũng như cách thức tiêm vắcxin. Thực tế cho thấy Facebook đang giúp cứu sống nhiều người”.

Trong diễn biến khác, hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) đã đồng ý trả 345 triệu USD để dàn xếp các cáo buộc của người tiêu dùng về việc họ phải trả nhiều tiền hơn để mua EpiPen - thiết bị tiêm thuốc epinephrine dùng để điều trị khẩn cấp sốc phản vệ - do công ty áp dụng biện pháp độc quyền. Pfizer đã đưa ra đề nghị trên trong hồ sơ gửi lên tòa án liên bang ở TP Kansas, bang Kansas.

Một nhóm người tiêu dùng Mỹ đã đệ đơn kiện Pfizer - nhà sản xuất EpiPen và hãng dược phẩm Mylan - công ty sở hữu quyền tiếp thị và phân phối EpiPen. Họ cáo buộc các công ty áp dụng những biện pháp nhằm giữ thế độc quyền trên thị trường thiết bị y tế và duy trì lợi nhuận. Các khiếu nại chống lại Mylan dự kiến sẽ được giải quyết tại tòa vào tháng 1/2022.

EpiPen là một thiết bị cầm tay có chức năng tự động tiêm epinephrine để điều trị các phản ứng dị ứng nghiêm trọng hoặc đe dọa tính mạng. Năm 2016 đã diễn ra một làn sóng phản đối kịch liệt việc Mylan tăng giá của một cặp bút EpiPen từ 100 USD năm 2008 lên 600 USD. Vụ việc này đã trở thành trung tâm của các cuộc tranh luận về chi phí thuốc men cao đang diễn ra ở Mỹ vào thời điểm đó.

Trong một thông cáo, Pfizer phủ nhận các cáo buộc về hành vi sai trái và cho biết công ty tin rằng hành động của họ là phù hợp. Mylan cũng cho biết những hành động của họ là hợp pháp và ủng hộ cạnh tranh. Năm 2017, Mylan đã đồng ý trả 465 triệu USD để dàn xếp các cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ về việc công ty đã tính giá EpiPen quá cao trong các hợp đồng với chính phủ.

Trong khi đó, từ việc bán các liều vắcxin COVID-19 giả, nay lại xuất hiện thêm dịch vụ bán giấy chứng nhận tiêm phòng giả mạo. Những đường dây lừa gạt, trục lợi xuất hiện ngày càng nhiều trong bối cảnh đại dịch hoành hành đang khiến công tác phòng chống dịch và đảm bảo an ninh tại Mexico trở nên thách thức hơn.

Trong một khu phố ở thủ đô Mexico City, được biết đến là nơi chuyên cung cấp và làm giả nhiều loại giấy tờ như giấy khai sinh, bằng lái xe hay hộ chiếu, làm giả giấy chứng nhận tiêm phòng là một dịch vụ mới đang trở nên đắt khách.

Những người tìm mua loại giấy tờ này thường là người cần đi ra nước ngoài nhưng chưa được tiêm đủ hoặc đã tiêm nhưng là loại vắcxin chưa được công nhận tại quốc gia mà họ sẽ đến.

Chia sẻ với phóng viên của hãng tin AFP (Pháp), một người thông thạo về dịch vụ tại khu phố này cho biết những cơ sở làm giả giấy tờ có thể cung cấp giấy chứng nhận tiêm phòng với tên loại vắcxin mà khách hàng yêu cầu và một tờ giấy như vậy có giá từ 1.110-1.200 peso (55-100 USD). Khách hàng đợi khoảng 2 giờ sẽ có chứng nhận.

Mexico đã tiêm phòng đầy đủ cho khoảng 21 triệu người trong tổng số 126 triệu dân, sử dụng vắcxin của Pfizer/BioNTech, AstraZeneca, Sinovac, Cansino, Sputnik V và Johnson & Johnson.

Người đã tiêm đủ có thể tải chứng nhận tiêm phòng từ một trang web chính thức của chính phủ để sử dụng khi đi ra nước ngoài hoặc khi cần thiết. Các chứng nhận thật có mã QR để khi người dùng quét mã này sẽ dẫn tới một trang web của chính phủ xác nhận đã được tiêm phòng đầy đủ.

Giấy chứng nhận giả cũng có mã QR nhưng không rõ có tác dụng hay không. Theo chuyên gia an ninh mạng Carlos Ramirez, để thực hiện chót lọt hành vi thì những người làm giả giấy tờ cũng cần phải biết kiến thức công nghệ, không loại trừ khả năng những đường dây này có thể lập một trang thông tin giả mạo chính phủ để xác nhận những mã QR giả hoặc tải về những mã QR dựa trên dữ liệu mà khách hàng yêu cầu.

Các hoạt động lừa đảo trong giai đoạn dịch bệnh cũng đã từng xảy ra ở Mexico như việc Pfizer hồi tháng 4 vừa qua cũng báo cáo về tình trạng vắcxin của hãng bị làm giả và bán tại thị trường này.

Tại Santo Domigo, các giấy xét nghiệm COVID-19 kết quả âm tính cũng được làm giả và bán với giá khoảng 30 USD. Theo luật Mexico, hành vi làm giả mạo giấy tờ có thể bị kết án tù từ 4-8 năm.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/261296/tong-thong-my-chi-trich-van-nan-tin-gia-ve-vacxin-tren-mang-xa-hoi.html