Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi Trung Đông như thế nào?
Theo ông Ben Wedeman, nhà báo quốc tế cấp cao của đài CNN, trong năm đầu của nhiệm kì Tổng thống Mỹ, Donald Trump tuy rất có khả năng thực hiện được cam kết đánh bại tổ chức khủng bố IS, nhưng chính sách Trung Đông của ông đầy sự nhầm lẫn và mâu thuẫn, gây ngạc nhiên cho đồng minh tại đây trong khi lại tạo lợi thế cho những đối thủ của Mỹ.
Ông Wedeman xem quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel chính là ví dụ gần nhất cho chính sách Trung Đông của Tổng thống Trump. Quyết định này được đưa ra bất chấp những lời khuyên trước đó của nhiều đồng minh thân cận nhất của Washington tại khu vực, bao gồm Ả Rập Saudi và Jordan.
Các cuộc biểu tình phản đối có thể biến mất, nhưng các đối thủ của Mỹ tại khu vực đã biết lợi dụng tác động tiêu cực mà quyết định về Jerusalem đem lại. Một tuần sau khi Mỹ công bố quyết định, lãnh đạo các nước Hồi giáo qua một cuộc họp khẩn đã tuyên bố quyết định về Jerusalem của Washington là vô hiệu, và động thái này của Mỹ đã khiến nước này không còn đủ tư cách làm trung gian hòa giải trong tiến trình hòa bình Israel- Palestine.
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas chỉ trích: “Mỹ đã chọn từ bỏ vai trò trung gian hòa giải, và tự hủy đi tư cách của mình tham gia quá trình hòa giải. Chúng tôi sẽ không chấp nhận bất cứ vai trò nào của Mỹ. Họ cho thấy thái độ thiên vị hoàn toàn với Israel”. Trước đó chuyến thăm Mỹ tháng 5, ông Abbas còn tuyên bố Palestine có hy vọng khi có Washington làm hòa giải.
Không chỉ có ông Abbas, lãnh đạo nhiều nước trong khu vực cũng có thái độ gay gắt với Mỹ, bao gồm Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Quốc vương Jordan Abdullah II, Quốc vương Qatar Tamim Al Thani.
Trong bối cảnh này, công việc soạn thảo và thực hiện chính sách Trung Đông lại được giao cho Jared Kushner, con rể của Tổng thống Trump, phụ trách. Nhà báo Wedeman đánh giá ông Kushner là “người mới” và không có lập trường trung lập. Ông Kushner từng là đồng giám đốc của một quỹ tài trợ cho các công trình khu định cư mà Israel xây tại Bờ Tây, một hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế.
Không những vậy, những vị trí ngoại giao chủ chốt của Mỹ tại khu vực vẫn còn để trống. Tám Đại sứ quán Mỹ ở Trung Đông, trong đó Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Ả Rập Saudi, vẫn chưa có Đại sứ. Dưới sự lãnh đạo không chắc chắn của ông Rex Tillerson, Bộ Ngoại giao Mỹ đang lâm vào tình trạng “chảy máy người tài”.
Khó lập liên minh ngăn Iran tăng ảnh hưởng ở Trung Đông
Theo nhà báo Wedeman, đồng minh Ả Rập thân cận nhất của Tổng thống Trump trong thời điểm này là Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed Bin Salman, người đang thực hiện nhiều cải cách mạnh mẽ trong nước như cho phép phụ nữ lái xe và đến rạp chiếu phim, chống tham nhũng. Ngoài ra, Thái tử Salman còn được cho là người khởi xướng cuộc chiến tại Yemen, cuộc cấm vận Qatar (khiến nước này xích gần hơn với Iran), động thái từ chức kì lạ của Thủ tướng Lebanon Saad Al-Hariri và gần đây nhất là vụ bắt giữ tỷ phú người Palestine Sabih Al-Masri (người điều hành Ngân hàng Ả Rập, nhà tài trợ chính của chính phủ Jordan và cũng là nhà đầu tư chủ yếu của Palestine).
Nhà báo Wedeman đánh giá tất cả những hành động trên đều là nỗ lực vụng về của Ả Rập Saudi với ý đồ buộc các quốc gia Ả Rập tuân theo những luật lệ mà nước này đặt ra. Nhưng thay vào đó, chúng lại tạo ra một làn sóng chống Ả Rập Saudi trên toàn khu vực.
Đồng minh Ả Rập thân cận nhất của Tổng thống Trump trong thời điểm này là Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed Bin Salman - Ảnh: The Wall Street Journal
Mỹ, với sự thúc giục của Ả Rập Saudi và Israel, đang cố lập một liên minh chống lại sức mạnh ngày càng tăng của Iran. Nhưng sau hàng thập kỷ dùng cấm vận và cô lập ngoại giao nhưng vẫn không triệt tiêu được sức ảnh hưởng của Tehran, một tập hợp các quốc gia thường xuyên xung đột với nhau, được một siêu cường đang rối loạn dẫn dắt, càng khó mà thực hiện được.
Nga tăng cường hiện diện
Sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trùng hợp với sự gia tăng hiện diện của Nga tại Trung Đông. Vào tháng 9.2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xuất hiện giải cứu Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Quân đội Moscow cùng với lực lượng của Iran, Hezbollah và Iraq đã đảo ngược tình hình cuộc chiến kéo dài 6 năm của Syria.
Vào tháng 12.2017, ông Putin trong chuyến thăm bất ngờ đến căn cứ không quân Hmeimim đã tuyên bố “hoàn thành sứ mệnh” và yêu cầu quân đội Nga rút dần khỏi Syria.
Tổng thống Nga Putin (trái) tiếp đón Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Nga vào tháng 11 - Ảnh: CNN
Trong khi đó, Nga cũng tiếp tục cải thiện quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Hai nước này trở thành nhà tài trợ chính của những cuộc đàm phán hòa bình cho Syria khi mà Mỹ chỉ là nhà quan sát thụ động. Lần đầu tiên, Moscow và Ankara ký thỏa thuận bán hệ thống tên lửa đất đối không S-400.
Ngược lại, quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ lại xấu đi vì Washington ủng hộ cho lực lượng người Kurd tham gia chống IS ở miền bắc Syria.
Ngoài những vấn đề trên, theo nhà báo Wedeman, sự nhầm lẫn và mâu thuẫn trong chính sách Trung Đông của ông Trump còn thể hiện qua động thái đe dọa rút khỏi thỏa thuận hạt nhân quốc tế đạt được với Iran. Ngoài ra, Washington còn có dấu hiệu cho thấy sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Tehran. Đó chính là hành động bà Nikki Haley, Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, đưa ra mảnh vũ khí này được cho là của tên lửa đạn đạo Iran được chuyển sang Yemen cho nhóm dân quân Houthi và nhóm dân quân này đã bắn tên lửa sang lãnh thổ Ả Rập Saudi.
Bà cho rằng đây là bằng chứng Iran gia tăng vũ khí bất hợp pháp, và kêu gọi lập một liên minh quốc tế chống lại sự ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông.
Với tình hình ở Trung Đông hiện tại, ông Wedeman đánh giá Mỹ đã có một chuyến phiêu lưu “gập ghềnh” ở khu vực này trong năm 2017, và sẽ phải chuẩn bị nhiều cho năm 2018 có thể tệ hơn sắp tới.
Cẩm Bình (theo CNN)