Tổng thống Mỹ 'gây bão' trước kỳ Hội nghị thượng đỉnh G20
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới Osaka, Nhật Bản trong hôm 27/6 để chuẩn bị tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 được đánh giá là đầy sóng gió, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ áp thêm hàng rào thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự đoán sẽ là tâm điểm trong kỳ thượng đỉnh diễn ra tại Nhật Bản bắt đầu từ ngày hôm nay (28/6). Trước khi lên đường tới dự Hội nghị, Tổng thống Trump tiếp tục đưa ra cảnh báo: “Nền kinh tế Trung Quốc đang trượt dốc – họ muốn có một thỏa thuận” – ông Trump nói trong bài phỏng vấn với kênh Fox Business.
Tức giận trước cái mà ông cho là hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc, ông Trump đã áp thuế với lượng hàng 200 tỷ USD của Trung Quốc, và đe dọa sẽ tiếp tục áp thuế. “Các bạn có lượng hàng 325 tỷ USD mà tôi vẫn chưa đánh thuế và đã đến lúc đánh thuế chúng”– ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn.
Phần lớn giới chuyên gia nhận định rằng một thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung khó có thể đạt được trong Hội nghị G20 lần này do thiếu thời gian để chuẩn bị các vấn đề phức tạp liên quan, nhưng hai bên có thể tạm hoãn cuộc chiến thương mại để dọn đường cho các vòng đàm phán.
“Tôi không cho rằng họ có thể giải quyết được hết những bất đồng phức tạp này chỉ trong vài ngày tới” – David Dollar, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Viện Brookings, nhận định – “Điều tôi mong đợi là một dạng thỏa thuận nhỏ hoặc Mỹ chấp nhận tạm hoãn áp thuế”.
Không lao vào một cuộc chiến
Trong lúc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có thể trở thành tâm điểm Hội nghị G20, các nhà lãnh đạo quốc gia trên thế giới cũng đang đối mặt với hàng loạt vấn đề nóng như Iran, Triều Tiên và Venezuela. Căng thẳng với Tehran thời gian qua đã gia tăng, sau khi Tổng thống Trump hạ lệnh tấn công nước này, đáp trả vụ Iran bắn hạ máy bay không người lái của Mỹ, nhưng sau đó lại rút lệnh vào phút chót.
Trước khi lên đường tới Osaka tham dự Hội nghị G20, ông Trump khẳng định không muốn lao vào cuộc chiến với Iran, nhưng cảnh báo rằng nước này “sẽ không tồn tại được lâu” nếu chiến tranh nổ ra. Trước đó thì Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã cố gắng dập tắt khủng hoảng khi nói rằng Iran “chưa từng muốn chiến tranh” với Mỹ.
Iran sẽ là một trong số những chủ đề thảo luận khi ông Trump gặp gỡ người đồng cấp Nga Vladimir Putin bên lề sự kiện, bên cạnh các chủ đề kiểm soát vũ khí, khủng hoảng ở Venezuela và Ukraine. Cuộc họp được mong chờ này vốn đã bị bao phủ bởi cuộc điều tra cáo buộc ông Trump có quan hệ với Nga và sự kiện gây tranh cãi khi ông nói chuyện với ông chủ Điện Kremlin tại Phần Lan năm 2018.
“Tôi sẽ có một cuộc đối thoại tốt với ông ấy” – ông Trump nói trước báo giới tại Nhà Trắng – “Và điều tôi nói với ông ấy không liên quan gì đến các bạn”.
“Theo dõi qua TV Sony”
Trước khi Hội nghị G20 diễn ra, nước chủ nhà Nhật Bản đã cố gắng chuyển sự quan tâm của dư luận vào các vấn đề chính thức của sự kiện, trong đó có những thách thức bắt nguồn từ vấn đề già hóa dân số và biến đổi khí hậu.
“Các cuộc xung đột dường như đang thu hút sự quan tâm…nhưng Nhật Bản, với tư cách chủ nhà, hy vọng sẽ tìm được tiếng nói chung thay vì sự khác biệt trong quan điểm” – Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói trước khi rời Tokyo đến Osaka dự Hội nghị.
Thế nhưng, Tổng thống Trump dường như không nghe theo lời kêu gọi trên khi tung đòn chỉ trích nhằm vào hàng loạt các nước đồng minh truyền thống, trong đó có cả nước chủ nhà Nhật Bản. “Gần như tất cả các nước trên thế giới đều lợi dụng nước Mỹ. Thật không thể tin nổi” – ông Trump nói.
Bình luận trên Twitter, ông Trump nói rằng các hàng rào thuế mà Ấn Độ áp đặt với Mỹ mới đây là “không thể chấp nhận”, gọi Đức là “chểnh mảng” và châm chọc Nhật Bản là nước luôn nằm dưới sự bao bọc của quân đội Mỹ kể từ sau Thế chiến II.
“Nếu Nhật bị tấn công, chúng ta sẽ lao vào Thế chiến III vì họ. Chúng ta sẽ tới và bảo vệ họ bằng cả sinh mạng và tiền bạc” – ông Trump nói với Fox Business – “Nhưng nếu chúng ta bị tấn công, Nhật không cần phải giúp chúng ta. Họ có thể theo dõi qua TV Sony”.