Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hội đàm: Cải thiện quan hệ đầy sóng gió
Trong cuộc gặp mặt trực tiếp ngày 15-11 (giờ địa phương), dù vẫn còn những khác biệt sâu sắc trong lĩnh vực kinh tế và các mối đe dọa an ninh toàn cầu nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã cam kết sẽ ổn định mối quan hệ, cùng nhau giải quyết những bất đồng một cách hiệu quả, cũng như thiết lập lại các cuộc đàm phán quân sự.
Hội đàm Thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc được tổ chức trang trọng và thân thiện tại khu dinh thự vườn cổ Filoly, nằm phía Nam San Francisco (Mỹ). Một bối cảnh thuận lợi dành cho các cuộc trao đổi thẳng thắn nhưng xây dựng. Xuất hiện sau cuộc hội đàm kéo dài 4 giờ đồng hồ với nhà lãnh đạo Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ tin tưởng rằng mối quan hệ đầy sóng gió giữa Washington và Bắc Kinh đang được cải thiện, đồng thời gọi các cuộc đàm phán là “một trong những cuộc thảo luận mang tính xây dựng và hiệu quả nhất mà chúng tôi từng có”.
Phát biểu tiếp lời nhà lãnh đạo Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đưa ra cái nhìn rõ ràng hơn về mối quan hệ Mỹ - Trung: “Mối quan hệ Trung - Mỹ chưa bao giờ thuận buồm xuôi gió trong hơn 50 năm qua và nó luôn phải đối mặt với nhiều vấn đề. Tuy nhiên, hai bên vẫn tiếp tục tiến về phía trước. Đối với hai quốc gia lớn như Trung Quốc và Mỹ, việc quay lưng lại với nhau không phải là một lựa chọn”. Nhà lãnh đạo Trung Quốc nêu rõ: “Bắc Kinh vẫn giữ quan điểm rằng cạnh tranh giữa các nước lớn không phải là xu hướng thịnh hành của thời đại hiện nay và điều đó không thể giải quyết các vấn đề mà Trung Quốc, Mỹ hay thế giới đang phải đối mặt”.
Sự nhất trí trong hợp tác chống ma túy và liên lạc quân sự giữa hai nước đã mang lại những tiến bộ quan trọng trong việc làm “tan băng” mối quan hệ vẫn còn căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh. Thời gian qua, Mỹ liên tục đề nghị Trung Quốc nối lại đường dây này, tránh những rủi ro không đáng có. Và điều này đã được giải quyết sau cuộc gặp giữa nguyên thủ hai nước. Phía Trung Quốc cho biết, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý nối lại các liên hệ quân sự. Ông Joe Biden đã yêu cầu hai nước thể chế hóa các cuộc đối thoại quân sự và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc khi vị trí này được bổ nhiệm.
Dù có nhiều tín hiệu tích cực, song hai cường quốc vẫn có những sự khác biệt về cuộc xung đột Nga - Ukraine, Israel - Hamas hay vấn đề công nghệ. Rana Mitter, giáo sư về quan hệ Mỹ - Trung tại Trường Harvard Kennedy cho rằng, mục tiêu của phía Mỹ sẽ là “giữ nhiệt độ ở châu Á - Thái Bình Dương ở mức thấp nhất có thể”. Trong bối cảnh cuộc xung đột phát triển ở Ukraine và Gaza, Mỹ “không mong muốn có mặt trận chiến sự thứ ba”. Chuyên gia Rana Mitter cũng nhận định, Trung Quốc đang muốn thúc đẩy nền kinh tế của nước này nên mục tiêu mà Bắc Kinh mong muốn sẽ là Washington “giảm bớt những hạn chế về công nghệ”. Cuộc hội đàm Thượng đỉnh Mỹ - Trung, bên lề Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), diễn ra sau nhiều tháng nỗ lực của các quan chức cấp cao cả hai nước nhằm cố gắng cải thiện mối quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và đưa mối quan hệ này lên một nền tảng ổn định hơn.
Mùa hè này, Bộ trưởng Tài chính Janet L.Yellen và Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo đã tới Trung Quốc để gặp gỡ các đối tác và các doanh nghiệp Mỹ. Các cuộc đàm phán nhằm mục đích giúp chính quyền Tổng thống Joe Biden hiểu rõ hơn về nền kinh tế thứ hai thế giới và giúp ngăn chặn những hiểu lầm giữa các nước làm gia tăng thêm căng thẳng. Những động thái trên đã đem lại tín hiệu thiện chí giữa Bắc Kinh và Washington. Theo CNBC, Mỹ và Trung Quốc đã tái khẳng định cam kết hợp tác về các vấn đề khí hậu. Nhiều chuyến bay trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc đang được nối lại. Tháng trước, các nhà nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc đã ký những thỏa thuận đầu tiên kể từ năm 2017 để mua số lượng lớn nông sản Mỹ.
Hợp tác giữa Mỹ và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, mang tầm quan trọng cho sự tiến bộ trong các vấn đề toàn cầu. Thế nên, cuộc hội đàm trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu có ý nghĩa sâu rộng đối với một thế giới đang vật lộn với những dòng chảy kinh tế phức tạp, cùng với xung đột ở Trung Đông và châu Âu và nhiều vấn đề căng thẳng khác.