Tổng thống Mỹ phủ quyết dự luật chi tiêu quốc phòng

Đúng như lời cảnh báo được đưa ra hồi đầu tháng 12, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phủ quyết dự luật mang tên Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho phép cấp ngân sách quốc phòng trị giá 740 tỷ USD cho Lầu Năm Góc trong tài khóa 2021.

Ngày 24-12, Reuters dẫn lời Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh, ông phủ quyết dự luật NDAA vì nó “không bao gồm các biện pháp quan trọng bảo đảm an ninh quốc gia, chứa đựng những điều khoản không tôn trọng các cựu binh và lịch sử của quân đội Mỹ, đi ngược lại với những nỗ lực của chính phủ nhằm đặt nước Mỹ lên trước tiên trong chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia”.

 Tổng thống Donald Trump đã phủ quyết dự luật NDAA. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Donald Trump đã phủ quyết dự luật NDAA. Ảnh: Getty Images

Trước đó, dự luật NDAA đã được Quốc hội Mỹ thông qua một cách dễ dàng bất chấp Tổng thống Donald Trump cảnh báo sẽ phủ quyết. Đây cũng là lần hiếm hoi phe Cộng hòa vốn chiếm đa số tại Thượng viện Mỹ thể hiện sự bất đồng với ông chủ Nhà Trắng. Trong một tuyên bố, Hạ nghị sĩ Adam Smith của Đảng Dân chủ, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ nêu rõ: “Hạ viện phát đi một thông điệp lưỡng đảng mạnh mẽ đến toàn thể người dân Mỹ: Các quân nhân và an ninh quốc gia của chúng ta còn quan trọng hơn chính trị”.

Tổng thống Donald Trump từng yêu cầu “vì mục đích an ninh quốc gia”, phải bãi bỏ một điều khoản trong dự luật NDAA vốn bảo vệ các công ty công nghệ như Google, Twitter và Facebook khỏi trách nhiệm pháp lý đối với những gì xuất hiện trên nền tảng của họ. Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump cũng phản đối dự luật NDAA vì bao gồm điều khoản đặt tên lại các căn cứ quân sự vốn đang đặt theo tên của các chỉ huy Liên minh miền Nam thời nội chiến tại nước này cũng như một số điều khoản khác có thể cản trở quyết định cắt giảm quân số Mỹ tại Đức, Afghanistan và một số nơi khác.

Theo Reuters, dự luật NDAA đã trở thành luật kể từ năm 1961, được coi là phải thông qua vì văn kiện này cho phép cấp lương và tiền thưởng đặc biệt cho các thành viên phục vụ trong quân đội cũng như các dự án xây dựng quân sự và chương trình đào tạo quân sự của Mỹ. Tờ The Washington Post cho biết, dự luật trị giá 740 tỷ USD này nhằm giúp củng cố thế trận của Mỹ và các đồng minh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và cấp ngân sách cho việc mở rộng hạm đội tàu ngầm tấn công. Ngoài ra, dự luật NDAA cũng lập kế hoạch giúp Bộ Quốc phòng Mỹ giảm sự phụ thuộc vào lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc, từ các thiết bị vi điện tử đến khẩu trang y tế.

Sau khi bị Tổng thống Donald Trump phủ quyết, dự luật NDAA sẽ được chuyển trở lại Hạ viện và Thượng viện Mỹ để bỏ phiếu. Nếu nhận được 2/3 số phiếu bác quyết định phủ quyết của Tổng thống Donald Trump từ Quốc hội, dự luật này sẽ trở thành luật. AP cho rằng kịch bản này hoàn toàn khả thi vì trước khi được chuyển tới Tổng thống Donald Trump, dự luật NDAA đã nhận được sự ủng hộ của hơn 2/3 nghị sĩ trong các cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện và Thượng viện Mỹ. Theo Reuters, các nghị sĩ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã lên tiếng chỉ trích quyết định phủ quyết của Tổng thống Donald Trump. Trong một tuyên bố, Thượng nghị sĩ Mark Warner của Đảng Dân chủ bày tỏ “trông đợi đảo ngược nỗ lực vô ích và lố bịch của Tổng thống nhằm làm suy yếu an ninh quốc gia của chúng ta”. Nhấn mạnh dự luật NDAA đã trở thành luật trong suốt 59 năm liên tiếp vì nó “vô cùng quan trọng đối với an ninh quốc gia và binh lính Mỹ”, Thượng nghị sĩ Jim Inhofe của Đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ tuyên bố “năm nay cũng không phải ngoại lệ”. Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết, vào ngày 28-12 tới, Quốc hội Mỹ sẽ bỏ phiếu về việc có bác quyết định phủ quyết của Tổng thống Donald Trump đối với dự luật NDAA hay không.

HOÀNG VŨ

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/tong-thong-my-phu-quyet-du-luat-chi-tieu-quoc-phong-647491