Tổng thống Mỹ sẽ xem xét hàng tuần về những hạn chế đi lại
Ngày 30/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hàng tuần, ông sẽ đưa ra quyết định xem liệu có gia hạn lệnh cấm đi lại của nước này tới miền Nam châu Phi hay không, tùy thuộc vào diễn biến liên quan biến thể mới đáng lo ngại Omicron của virus SARS-CoV-2.
Giải đáp câu hỏi của báo giới về thời hạn thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại tới Nam Phi và 7 quốc gia khác ở miền Nam châu Phi, vốn có hiệu lực kể từ ngày 29/11, Tổng thống Biden nhấn mạnh quyết định này phụ thuộc vào tình hình thực tế. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định sẽ cân nhắc theo từng tuần để quyết định những điều cần làm. Bên cạnh đó, Tổng thống Biden nêu rõ Washington sẽ tìm hiểu kỹ lưỡng trong một vài tuần tới về nguy cơ gây tử vong cũng như mức độ lây lan của biến thể Omicron và các biện pháp cần triển khai để ngăn chặn biến thể này.
Tổng thống Mỹ cũng loại trừ khả năng đột ngột triển khai các biện pháp hạn chế đi lại đối với các quốc gia khác như từng xảy ra dưới thời chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Donald Trump. Trong khi đó, các quan chức sở tại cho biết chính quyền của Tổng thống Biden đang cân nhắc siết chặt các quy định tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19, đồng thời đang luân chuyển một đề xuất dự thảo giữa các cơ quan chính phủ để lấy ý kiến.
Cùng ngày, viện dẫn các quan ngại về dịch COVID-19, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã khuyến cáo công dân nước này không nên đến Niger, Papua New Guinea, Ba Lan, cũng như Trinidad và Tobago. Như vậy, cho tới nay, CDC đã đưa khoảng 80 điểm đến vào danh sách cảnh báo dịch bệnh ở "Cấp 4: Rất cao" sau khi Nhà Trắng thông báo áp đặt các hạn chế đi lại mới nhằm ứng phó với biến thể Omicron. Trước đó, ngày 27/11 vừa qua, CDC đã bổ sung Nam Phi, Zimbabwe, Namibia, Mozambique, Malawi, Lesotho và Eswatini vào danh sách trên, trong khi Bộ Ngoại giao Mỹ ban hành khuyến cáo "Không đi lại" tới các quốc gia này.
Giám đốc CDC Mỹ Rochelle Walensky nêu rõ CDC đang đánh giá cách thức để đảm bảo an toàn cho hoạt động đi lại quốc tế, trong đó có xét nghiệm trước khi khởi hành chuyến bay và đưa ra những cân nhắc xung quanh việc xét nghiệm bổ sung cũng như yêu cầu du khách tự cách ly sau khi nhập cảnh.
Cũng trong ngày 30/11, công ty y tế XpresSpa Group có trụ sở tại Mỹ đã thông báo về việc hợp tác với CDC nước này và công ty công nghệ sinh học nội địa Ginkgo Bioworks để mở rộng Chương trình giám sát biến thể gây bệnh COVID-19 nhằm phát hiện biến thể Omicron thông qua công ty con của XpresSpa Group là XpresCheck.
Ngày 28/11 vừa qua, XpresCheck đã triển khai chương trình xét nghiệm COVID-19 tự nguyện cho các hành khách nhập cảnh Mỹ từ miền Nam châu Phi, kể các các hành khách nối chuyến tại các sân bay của nước này. Chương trình gồm các xét nghiệm PCR thực hiện trên một mẫu gộp được thu thập tại sân bay khi hành khách tới Mỹ.
Trong diễn biến liên quan ngày 30/11, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo Lầu Năm Góc sẽ không cấp tiền cho các binh sĩ thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia từ chối tiêm vaccine ngừa COVID-19. Thời hạn tiêm cho lực lượng này tùy thuộc vào các nhiệm vụ khác nhau mà họ đảm nhận.
Tuyên bố trên của Bộ trưởng Austin được đưa ra một ngày sau khi quan chức này từ chối yêu cầu của Thống đốc bang Oklahoma về việc miễn trừ cho Lực lượng Vệ binh Quốc gia không phải thực thi lệnh tiêm phòng COVID-19 mở rộng trong quân đội Mỹ.
Bộ Quốc phòng nước này đã bắt buộc tất cả các quân nhân phải tiêm phòng COVID-19 trong tháng 8 năm nay và đại đa số quân nhân tại ngũ đã tiêm ít nhất một mũi vaccine.