Tổng thống Mỹ thăm Trung Đông, lấy 'nước xa cứu lửa gần'?
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ đưa ra yêu cầu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) tăng sản lượng để kiềm chế giá xăng tăng cao khi ông gặp các nhà lãnh đạo vùng Vịnh ở Ả Rập Saudi trong tuần này.
Thông tin trên do Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan nói với hãng tin Reuters ngày 11-7.
Ông Biden bắt đầu chuyến công du Trung Đông đầu tiên trên cương vị tổng thống từ ngày 13-7, được cho là đón đầu các tín hiệu mới của Mỹ đối với khu vực Trung Đông. Chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Trung Đông sẽ thể hiện sự quan tâm của Mỹ với khu vực giữa những vấn đề nóng trong nước và quốc tế.
Điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du Trung Đông của Tổng thống Biden sẽ là Israel, tiếp đến là Bờ Tây và Ả Rập Saudi.
Chuyến công du diễn ra khi ông Biden đang phải vật lộn để giảm giá xăng dầu trong nước. Mục tiêu trong chuyến thăm của ông Biden lần này là để cải thiện mối quan hệ của Mỹ với Ả Rập Saudi, cũng như mối quan tâm lớn của Mỹ với thị trường dầu mỏ toàn cầu sau khi gián đoạn nghiêm trọng bởi căng thẳng ở Ukraine.
Cố vấn Sullivan cho biết các thành viên OPEC có khả năng thực hiện "những bước tiến xa hơn" để tăng sản lượng dầu, bất chấp tuyên bố từ Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất rằng họ khó có thể tăng sản lượng dầu.
Ông Sullivan nói: "Chúng tôi sẽ truyền đạt quan điểm chung rằng chúng tôi tin cần có đủ nguồn cung trên thị trường toàn cầu để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu, bảo vệ người tiêu dùng Mỹ".
Theo nhiều chuyên gia, Nhà Trắng hiểu rằng Ả Rập Saudi khó có thể đơn phương hành động và Riyadh cũng như các quốc gia vùng Vịnh khác thiếu năng lực dự phòng.
Ông Ben Cahill, một chuyên gia năng lượng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, nhận định: "Tôi nghĩ rằng sự gia tăng sản lượng của Ả Rập Saudi dường như khó xảy ra. Tôi mong chờ một số tuyên bố của Ả Rập Saudi về việc giúp cân bằng thị trường dầu mỏ toàn cầu, đáp ứng nhu cầu toàn cầu, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định giữa các nước nhập khẩu".
Theo hãng tin Reuters, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh ông Biden đối mặt với những lời chỉ trích từ các nhóm nhân quyền trong nước vì kế hoạch gặp Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman. Trong báo cáo do chính phủ Tổng thống Joe Biden công bố cuối tháng 2-2021, tình báo Mỹ kết luận thái tử Mohammed đã phê chuẩn một chiến dịch ở TP Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) để bắt hoặc giết nhà báo Jamal Khashoggi.
Ông Khashoggi là nhà báo Ả Rập Saudi sống lưu vong ở nước ngoài, bao gồm bang Virginia (Mỹ) và từng viết bài chỉ trích thái tử trên tờ The Washington Post. Chính phủ Ả Rập Saudi bác bỏ báo cáo trên.
Nói ngắn gọn với các phóng viên tại Nhà Trắng, ông Sullivan cho biết Tổng thống Biden không hối tiếc về việc trước đây đã coi Ả Rập Saudi là "người bảo vệ" trước cái chết của Khashoggi.
Trong một bài bình luận đăng trên tờ The Washington Post vào ngày 9-7, ông Biden cho biết mục đích của ông là định hướng lại và không phá vỡ quan hệ với một quốc gia đã là đối tác chiến lược của Mỹ trong 80 năm.