Tổng thống Nga cảnh báo phương Tây 'gieo gió gặt bão'
Theo ông Putin, cuộc xung đột ở Ukraine như một cuộc chiến giữa phương Tây và Nga, lưu ý rằng cuối cùng, phương Tây sẽ phải nói chuyện với Nga và các cường quốc khác về tương lai của thế giới.
Tổng thống Vladimir Putin ngày 27/10 cho rằng thế giới phải đối mặt với thập kỷ nguy hiểm nhất kể từ Thế chiến thứ hai "khi giới tinh hoa phương Tây tìm cách ngăn chặn sự sụp đổ không thể tránh khỏi sự thống trị toàn cầu của Mỹ và các đồng minh".
Với lần xuất hiện trước công chúng dài nhất kể từ khi xung đột với Ukraine nổ ra vào ngày 24/2 và phát biểu tại Câu lạc bộ Thảo luận Valdai trong một phiên thảo luận có chủ đề “Một thế giới hậu bá quyền: Công lý và An ninh cho mọi người”, nhà lãnh đạo Nga cáo buộc phương Tây "kích động chiến tranh và gieo rắc hỗn loạn" trên toàn thế giới.
“Thời kỳ thống trị của phương Tây đối với các vấn đề thế giới sắp kết thúc. Chúng ta đang đứng ở ranh giới lịch sử: Phía trước có lẽ là thập kỷ nguy hiểm nhất, không thể đoán trước và đồng thời là quan trọng kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc”, ông Putin nói.
Trong bài phát biểu và phần trả lời các câu hỏi, ông Putinlưu ý rằng phương Tây cho thấy sự suy tàn khi đối mặt với các cường quốc châu Á đang trỗi dậy như Trung Quốc, đồng thời đổ lỗi cho Mỹ và đồng minh đã kích động xung đột ở Ukraine.
“Phương Tây - tất nhiên là không có sự thống nhất trong đó - rõ ràng là một liên minh rất phức tạp. Tuy nhiên, họ đã thực hiện một số bước để leo thang trong những năm gần đây và đặc biệt là trong những tháng gần đây. Trên thực tế, họ luôn kích động để làm trầm trọng thêm tình hình. Đây là sự kích động xung đột ở Ukraine, đây là sự khiêu khích xung quanh Đài Loan, sự bất ổn của thị trường thực phẩm và năng lượng thế giới".
Theo Tổng thống Nga, mặc dù vấn đề khủng hoảng lương thực và năng lượng không được thực hiện có chủ đích, nhưng "không còn nghi ngờ gì nữa, đó là do một số sai sót mang tính hệ thống của chính những nhà chức trách phương Tây".
Ông Putin nêu rõ “Bá quyền trên toàn thế giới là thứ mà phương Tây đã đặt lên hàng đầu trong kế hoạch của họ - nhưng điều này rất nguy hiểm. Như người ta nói: Người gieo gió ắt sẽ gặt bão. Tôi tin rằng sớm muộn gì các trung tâm mới của trật tự thế giới đa cực sẽ nổi lên và phương Tây sẽ phải bắt đầu một cuộc thảo luận bình đẳng về tương lai mà chúng ta cùng chia sẻ".
Nhà lãnh đạo Nga cũng đổ lỗi cho phương Tây gây ra căng thẳng hạt nhân gần đây, trích dẫn nhận xét của cựu Thủ tướng Anh Liz Truss về việc bà sẵn sàng sử dụng biện pháp răn đe hạt nhân của London nếu tình huống yêu cầu. Ông Putin nhắc lại rằng Ukraine có thể cho nổ một "quả bom bẩn có chất phóng xạ để đổ lỗi cho Moskva" - một quan điểm mà Kiev và phương Tây bác bỏ, cho rằng không có bằng chứng.
Xung đột Nga - Ukraine đã gây ra cuộc đối đầu lớn nhất giữa Moskva với phương Tây kể từ Cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962 khi Liên Xô và Mỹ tiến gần nhất đến chiến tranh hạt nhân. Khi được hỏi về khả năng leo thang hạt nhân liên quan đến xung đột ở Ukraine, ông Putin nói rằng nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn tồn tại khi vũ khí hạt nhân còn tồn tại.
Nhưng ông Putin khẳng định rằng học thuyết quân sự của Nga là phòng thủ và khi được hỏi về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba, nhà lãnh đạo Nga cho biết ông không muốn như Nikita Khrushchev, nhà lãnh đạo Liên Xô, người cùng với Tổng thống Mỹ thời đó John F. Kennedy, đã đưa thế giới đến bờ vực của chiến tranh hạt nhân trước khi xoa dịu tình hình.