Tổng thống Nga cảnh báo việc Mỹ đưa tên lửa tầm xa đến Đức

Nga sẽ bãi bỏ lệnh tạm dừng triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn nếu Mỹ đưa tên lửa đến Đức, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trong bài phát biểu trước các thủy thủ tại cuộc diễu binh mừng Ngày Hải quân ở St. Petersburg.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: RT)

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: RT)

Đầu tháng này, Mỹ và Đức công bố kế hoạch triển khai các hệ thống tên lửa chính xác tầm xa ở châu Âu. Cụ thể, Mỹ sẽ bắt đầu triển khai hỏa lực tầm xa tại Đức từ năm 2026.

Tổng thống Putin gọi đây là quyết định "đáng chú ý", vì việc triển khai này sẽ đặt các cơ sở quân sự và nhà nước quan trọng, các trung tâm hành chính và công nghiệp, cũng như cơ sở hạ tầng quốc phòng của Nga vào tầm bắn của vũ khí Mỹ.

Ông lưu ý, rằng thời gian bay của những tên lửa này đến các mục tiêu trên lãnh thổ Nga sẽ mất khoảng 10 phút, và chúng cũng có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân.

"Tình huống này gợi nhớ đến các sự kiện của Chiến tranh Lạnh, liên quan đến việc triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ ở châu Âu”, ông Putin tuyên bố.

Tổng thống cảnh báo rằng, nếu Mỹ thực hiện kế hoạch triển khai tên lửa, Nga sẽ đáp trả tương ứng.

"Nếu Mỹ thực hiện kế hoạch này, chúng tôi sẽ tự bãi bỏ lệnh tạm hoãn triển khai vũ khí tấn công tầm trung và tầm ngắn đã thông qua trước đó, và thực hiện các bước tăng cường năng lực của lực lượng hải quân", ông Putin nhấn mạnh. "Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp đáp trả tương xứng, tính đến hành động của Mỹ và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, cũng như ở các khu vực khác trên thế giới".

Trước năm 2019, tên lửa phóng từ mặt đất có tầm bắn vượt quá 500 km bị cấm theo Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký bởi cựu Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev và cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan vào năm 1987. Hiệp ước đánh dấu lần đầu tiên hai quốc gia đồng ý giảm kho vũ khí hạt nhân.

Các nước bao gồm Đức, Hungary, Cộng hòa Séc và Ba Lan cũng đã phá hủy tên lửa của họ vào những năm 1990, theo sau là Slovakia và Bulgaria.

Mỹ đã rút khỏi Hiệp ước INF vào năm 2019 và cáo buộc Nga vi phạm quy định vì phát triển tên lửa hành trình phóng từ mặt đất 9M729 (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương định danh là SSC-8).

Điện Kremlin liên tục phủ nhận cáo buộc, sau đó tự áp đặt lệnh cấm phát triển các loại tên lửa trước đây bị cấm theo Hiệp ước INF, bao gồm tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km.

Minh Hạnh

Theo RT

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/tong-thong-nga-canh-bao-viec-my-dua-ten-lua-tam-xa-den-duc-post1658808.tpo