Tổng thống Nga không muốn chiến tranh với NATO
Tổng thống Vladimir Putin nói rằng Nga không có tranh chấp cơ bản với các nước phương Tây, nhưng họ lại muốn đối đầu với Nga.
Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Nga Pavel Zarubin được phát sóng hôm 17/12, ông Putin đã được yêu cầu bình luận về tuyên bố của Tổng thống Mỹ Joe Biden, người hồi đầu tháng này đã nói rằng Moskva có thể tấn công liên minh NATO nếu nước này chiến thắng Ukraine.
Nhà lãnh đạo Nga đã nói suy đoán của người đồng cấp Mỹ là “điều vô lý”. Ông Putin khẳng định Moskva không có lý do nào để tấn công khối quân sự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Theo ông, Tổng thống Mỹ chắc chắn hiểu rõ Nga không có lợi ích về mặt địa chính trị, kinh tế hay quân sự khi có chiến tranh với NATO.
Ông nhấn mạnh Moskva không muốn chiến tranh với các quốc gia thành viên NATO, thay vào đó là mong muốn cải thiện quan hệ với họ. Tuy nhiên, ông lưu ý đường lối chính trị của phương Tây đang khiến điều này ngày càng trở nên khó khăn. Ông đã trích dẫn ví dụ về Phần Lan, quốc gia nộp đơn xin gia nhập NATO sau khi xung đột nổ ra tại Ukraine và trở thành thành viên chính thức vào tháng 4.
Ông Putin cho biết Nga không có tranh chấp với nước láng giềng Bắc Âu đó, đồng thời lưu ý các vấn đề lãnh thổ cuối cùng đã được giải quyết sau khi Thế chiến thứ hai kết thúc. Hai bên từng có những mối quan hệ thân tình, cởi mở nhất. Tuy nhiên, sau khi Phần Lan trở thành thành viên NATO, tình hình đã khác. Nga sẽ thành lập quân khu Leningrad và triển khai một số đơn vị quân đội ở gần khu vực biên giới Phần Lan.
Tổng thống Vladimir Putin lưu ý thêm rằng Nga cũng không có tranh chấp với các quốc gia NATO khác. “Chính họ đang tạo ra vấn đề vì họ không muốn Nga là đối thủ”, ông Putin kết luận.
Các quan chức Nga nhiều lần mô tả mối quan hệ giữa Moskva và Washington đang ở mức thấp nhất mọi thời đại, với lý do Mỹ hỗ trợ Ukraine, cũng như lập trường của nước này về kiểm soát vũ khí.
Đầu tháng 12, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết hai cường quốc đang đứng cân bằng trên bờ vực của một cuộc chiến tranh nóng, tương tự cuộc đối đầu thời Khủng hoảng tên lửa Cuba vào những năm 1960.