Tổng thống Nga-Mỹ nói gì trong cuộc điện đàm đầu tiên?
Điện Kremlin cho biết Nga và Mỹ đã đạt được thỏa thuận gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START hôm 26-1, động thái nhằm duy trì hiệp ước hạt nhân lớn cuối cùng giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới.
Nhà Trắng chưa xác nhận thông báo của Điện Kremlin nhưng cho biết Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thảo luận vấn đề này trong cuộc điện đàm và nhất trí về việc đội ngũ hai nước khẩn trương để hoàn thành việc gia hạn Hiệp ước Cắt giảm và Hạn chế vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) trước hạn chót vào ngày 5-2.
Hiệp ước được ký kết năm 2010 này yêu cầu Mỹ và Nga giới hạn việc triển khai không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân. Đây là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo nói chuyện kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tuần trước.
Theo hãng tin Reuters, Moscow và Washington đã không đồng ý gia hạn New START dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump vì Mỹ đưa ra các điều kiện gia hạn mà Nga từ chối.
Điện Kremlin cho biết ông Putin và ông Biden "bày tỏ sự hài lòng" rằng các công hàm ngoại giao giữa hai quốc gia đã được trao đổi trước đó trong ngày 26-1 xác nhận hiệp ước sẽ được gia hạn và các thủ tục cần thiết để hiệp ước có hiệu lực trước khi hết hạn sẽ được hoàn tất trong những ngày tới.
Trong tuyên bố của mình, Điện Kremlin cho hay ông Putin cũng đã nói với ông Biden rằng việc bình thường hóa quan hệ giữa Moscow và Washington sẽ vì lợi ích chung của cả hai nước.
Cũng theo Điện Kremlin, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về quyết định rút khỏi Hiệp ước bầu trời mở của Mỹ dưới thời chính quyền ông Trump. Ông Putin và ông Biden cũng thảo luận về chương trình hạt nhân của Iran và cuộc xung đột ở Ukraine.
Phía Nhà Trắng nhấn mạnh: "Tổng thống Biden nói rõ Mỹ sẽ hành động kiên quyết để bảo vệ lợi ích quốc gia trước những hành động gây tổn hại của Nga tới chúng ta hoặc các đồng minh của chúng ta".
Trong một diễn biến khác, gần như toàn bộ thành viên đảng Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu tán thành ý kiến cho rằng quá trình luận tội cựu Tổng thống Trump là vi hiến vì ông không còn tại vị.
Thượng Nghị sĩ Rand Paul đề nghị Thượng viện bỏ phiếu để quyết định việc luận tội ông Trump có phù hợp với hiến pháp hay không. Đề nghị của ông Paul bị bác bỏ với 55 phiếu chống và 45 phiếu ủng hộ. Do đó, việc luận tội sẽ được tiến hành.
Tuy nhiên, việc có đến 45 thượng nghị sĩ Cộng hòa không ủng hộ việc luận tội cho thấy đảng Dân chủ sẽ khó kết tội cựu Tổng thống Trump do việc kết tội đòi hỏi đến 67 phiếu ủng hộ cần thiết.
Hạ viện hôm 26-1 đã chuyển nghị quyết luận tội cựu Tổng thống Trump lên Thượng viện với cáo buộc kích động nổi loạn tại Quốc hội hôm 6-1. Dự kiến phiên luận tội diễn ra vào ngày 9-2.