Tổng thống Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran ra tuyên bố lên án Israel ở Syria
Tổng thống các nước Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã thông qua tuyên bố chung về tình hình Syria, trong đó lên án việc Israel liên tiếp tiến hành các đợt tấn công nhắm vào mục tiêu của Damascus.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 19/7 đã có cuộc gặp 3 bên với Tổng thống Iran Ebrahim Raisi tại thủ đô Tehran, trong đó, các nhà lãnh đạo đã kí một tuyên bố chung tái khẳng định cam kết tăng cường hợp tác nhằm tìm giải pháp cho cuộc xung đột ở Syria.
RiaNovosti cho hay, văn kiện trên nhấn mạnh cuộc khủng hoảng Syria chỉ có thể được giải quyết thông qua ngoại giao. Ngoài ra, "chỉ có chính người Syria mới có thể giải quyết tình hình trong nước trên cơ sở Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ)".
Nghị quyết 2254 được Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí hồi năm 2015, có nội dung chính là kêu gọi tiến hành các cuộc bầu cử tự do và công bằng cũng như soạn thảo hiến pháp mới cho Syria. Đây là cơ sở cho tiến trình do chính người Syria đi đầu và thực hiện để chấm dứt cuộc xung đột.
Theo tuyên bố chung, các bên sẽ tiến hành vòng đàm phán hiến pháp theo định dạng Astana lần thứ 19 giữa chính phủ Syria và các phe đối lập ngay trong năm 2022.
Ngoài ra, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã lên án các cuộc tấn công liên tục của Israel nhắm vào lãnh thổ Syria. Họ cũng cam kết chống lại các tổ chức khủng bố, dù chúng hoạt động dưới các tên gọi khác nhau; đồng thời nỗ lực ổn định tình hình ở tỉnh Idlib.
Syria lâm vào nội chiến từ năm 2011, khi làn sóng Mùa xuân Arab tràn qua nước này. Năm 2014, với sự trỗi dậy của khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria và Iraq, Chính phủ Syria có giai đoạn mất gần như toàn bộ lãnh thổ vào tay các nhóm phiến quân và khủng bố Hồi giáo cực đoan.
Đến năm 2017, nhờ sự trợ giúp của Nga, Iran và các lực lượng thân cận, chính quyền ông Assad giành lại quyền kiểm soát phần lớn lãnh thổ; dân quân người Kurd thân Mỹ kiểm soát khu vực bờ Tây sông Euphrates. Các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan co cụm ở tỉnh Tây Bắc Idlib.
Song song với cuộc chiến chống khủng bố, Nga là nước tích cực nhất thúc đẩy các giải pháp chính trị ở Syria. Tháng 1/2018, tại hội nghị hòa bình Syria do Nga tổ chức, các bên đã ký kết một thỏa thuận về việc thành lập một Ủy ban gồm 150 thành viên để soạn thảo hiến pháp mới của Syria.
Tuy nhiên, sau nhiều vòng nhóm họp 4 năm qua, các bên đối đầu ở Syria vẫn chưa đạt thỏa thuận cuối cùng về hiến pháp mới, vốn là yếu tố then chốt để đưa quốc gia Trung Đông tới một cuộc bầu cử tự do.
Năm ngoái, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo Syria đang chuyển sang tình trạng "không còn chiến tranh, nhưng cũng chẳng có hòa bình", khi giao tranh giữa các phe phái hạ nhiệt, nhưng mâu thuẫn chính trị vẫn còn nguyên, không thể hóa giải bằng đối thoại.