Tổng thống Nga yêu cầu tăng 'lượng và chất' cho kho vũ khí, cựu Thủ tướng Đức tin rằng coi trọng Moscow là khôn ngoan
Ngày 24/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu tăng cường chất lượng vũ khí cung cấp cho quân đội nước này. Ở một diễn biến khác, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bình luận về các vấn đề nóng hiện nay.
Trong cuộc họp của Hội đồng điều phối trực thuộc chính phủ về vấn đề đáp ứng nhu cầu của Lực lượng vũ trang ngày 24/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu không những cần tăng khối lượng và danh mục các vũ khí chuyển giao cho Lực lượng vũ trang Nga mà còn phải đảm bảo nâng cao chất lượng của các sản phẩm công nghiệp quốc phòng.
"Điều quan trọng không chỉ là tăng khối lượng và phạm vi cung ứng mà còn phải cải thiện các đặc tính chất lượng của sản phẩm”, Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Theo ông Putin, bối cảnh hiện nay cần có sự kết nối trực tiếp giữa các nhà sản xuất của các trung tâm thiết kế và những người sử dụng kỹ thuật này.
Trước đó, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev khẳng định nước này có đủ kho vũ khí và thiết bị để tiếp tục chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Ở một diễn biến khác, trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tờ báo Spiegel, cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel thừa nhận bà học được nhiều điều từ người tiền nhiệm Helmut Kohl và đề cập đến 3 bài học quan trọng nhất từ ông Kohl.
Cựu Thủ tướng Đức nhận định: “Thứ nhất, tầm quan trọng của cá nhân trong chính trị. Thứ hai, niềm vui lập kế hoạch và thứ ba, tư duy trong bối cảnh lịch sử”.
Theo bà Merkel, ông Kohl muốn nối lại quan hệ với Nga, bởi cuối cùng sẽ phải đi theo hướng này. Bản thân bà Merkel cho rằng việc coi trọng nước Nga không phải là dấu hiệu của sự yếu đuối mà là sự khôn ngoan.
Đồng thời, bà Merkel thừa nhận năm 2021, bà không thấy cơ hội đoàn kết các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) và gây ảnh hưởng đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin để ngăn chặn chiến sự bùng nổ ở Ukraine.
Bà Merkel cho biết bà đã từng cố gắng xây dựng liên lạc với Tổng thống Putin sau cuộc gặp của ông với Tổng thống Mỹ Joe Biden vào mùa Hè năm 2021. Ngoài ra, bà Merkel muốn bắt đầu "một định dạng thảo luận độc lập của châu Âu với ông Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron" tại Hội đồng EU.
Bà Merkel cũng bày tỏ không hối hận vì đã chọn rời khỏi cương vị của mình và tin rằng một người mới nên tham gia giải quyết vấn đề.
Theo cựu Thủ tướng Đức, những việc cần giải quyết hiện nay không chỉ có vấn đề Ukraine, mà còn là Transnistria và Moldova, Grudia và Abkhazia, Syria và Libya. Bà Merkel cho rằng đã đến lúc phải có cách tiếp cận mới.