Tổng thống Pháp đổi điện thoại, nhiều quốc gia điều tra phần mềm gián điệp Pegasus
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã thay đổi điện thoại và số điện thoại của mình, Reuters ngày 23/7 đưa tin, sau khi có cáo buộc rằng ông bị phần mềm gián điệp Pegasus theo dõi. Trong khi đó, nhiều quốc gia trên thế giới đã 'để mắt' đến bê bối này.
"Tổng thống có một vài số điện thoại. Điều này không có nghĩa là Tổng thống đang bị theo dõi, mà đây chỉ là bảo mật bổ sung", người phát ngôn Chính phủ Pháp Gabriel Attal cho biết, nhấn mạnh các thủ tục an ninh đang được thực hiện sau khi bê bối Pegasus xảy ra.
Việc thay đổi điện thoại lẫn số điện thoại là hành động cụ thể đầu tiên của chính phủ Pháp cũng như Tổng thống Macron được công bố liên quan đến những cáo buộc cho rằng phần mềm Pegasus do công ty NSO của Israel sản xuất và phát triển đã có những động thái theo dõi ngầm nhằm vào ông.
Trước đó, Tổ chức Ân xá quốc tế cùng "liên minh truyền thông" gồm nhiều cơ quan báo chí quốc tế lớn như Washington Post, The Guardian, Le Monde đã phối hợp điều tra và công bố thông tin rằng phần mềm gián điệp Pegasus bí mật thu thập thông tin của 50.000 số điện thoại di động của các nhà hoạt động, nhà báo cũng như chính trị gia trên thế giới từ năm 2016.
Nhật báo Le Monde của Pháp hôm 20/7 đã đưa tin, điện thoại di động của ông Macron và 15 thành viên chính phủ Pháp có thể nằm trong số các mục tiêu tiềm năng bị theo dõi hồi năm 2019 thông qua phần mềm Pegasus nhân danh một cơ quan an ninh Morocco.
Phía Morocco đã lập tức lên tiếng, theo đó phủ nhận việc mua hoặc sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus. Morocco cũng cho biết thông tin điều tra đã "cáo buộc và suy diễn nghiêm trọng nhằm mục đích suy yếu lợi ích tối cao" của nước này, đồng thời yêu cầu "liên minh truyền thông" cung cấp các bằng chứng cho cáo buộc trên.
Cũng theo báo cáo điều tra Pegasus của liên minh truyền thông, các khách hàng của NSO tập trung ở 10 quốc gia gồm Azerbaijan, Bahrain, Hungary, Ấn Độ, Kazakhstan, Mexico, Maroc, Rwanda, Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).
Tuy nhiên, theo France24, Arab Saudi và UAE đã bác bỏ các cáo buộc liên quan. Bộ Ngoại giao UAE ngày 22/7 cho biết các cáo buộc "hoàn toàn sai sự thật" và "không có cơ sở chứng minh". Còn hãng thông tấn SPA của Arab Saudi nhấn mạnh "những cáo buộc như vậy là không đúng sự thật và các chính sách của UAE không dung thứ cho những hành vi như vậy".
Tại Israel, nơi đặt trụ sở của NSO, một nghị sĩ cấp cao cho biết Quốc hội nước này có thể xem xét các hạn chế xuất khẩu phần mềm Pegasus. NSO trong một tuyên bố cũng khẳng định phần mềm của họ được sử dụng để chống tội phạm và khủng bố, đồng thời phủ nhận mọi cáo buộc gián điệp hay theo dõi được đưa ra.
Trong bối cảnh Liên minh châu Âu đang dấy lên lo ngại về vấn đề này, Thủ tướng Đức Angela Merkel trao đổi với các phóng viên tại Berlin rằng, phần mềm gián điệp nên bị từ chối đối với các quốc gia không có sự giám sát của tư pháp.
Trong một động thái có liên quan, Hungary ngày 22/7 đã mở cuộc điều tra "để xác minh các dữ kiện và xác định xem liệu có hành vi phạm tội nào đã xảy ra", Văn phòng Công tố điều tra khu vực Budapest cho biết. Theo cơ quan này, cuộc điều tra được tiến hành sau một loạt các khiếu nại liên quan tới phần mềm Pegasus.
Các quan chức Hungary đã bác bỏ các cáo buộc sử dụng phần mềm theo dõi Pegasus, gọi điều này là "không có cơ sở". Đầu tuần này, Bộ trưởng Nội vụ Sandor Pinter khẳng định Hungary "luôn hành động phù hợp với luật pháp", trong khi Ngoại trưởng Peter Szijjarto tuyên bố chính phủ "không biết gì về việc thu thập dữ liệu như vậy".
Cùng ngày, Mexico cũng thông báo đang điều nghi án tham nhũng liên quan đến vụ mua bán phần mềm độc hại Pegasus trị giá 32 triệu USD. Theo cuộc điều tra về Pegasus, trong số các cơ quan chức năng Mexico đã mua phần mềm gián điệp này có Bộ Quốc phòng và Cơ quan Tình báo an ninh quốc gia.