Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sắp thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Lương Cường, Tổng thống Cộng hòa Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 25-27/5.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân. (Nguồn: Reuters)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Phu nhân. (Nguồn: Reuters)

Việt Nam và Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/4/1973. Trước đó, Pháp đã mở cơ quan đại diện tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau Hiệp định Geneva năm 1954 với tư cách là Phái đoàn. Bề dày lịch sử quan hệ và hợp tác sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực đã tạo cơ sở vững chắc đưa quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (2013).

Tháng 10/2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm thăm chính thức Pháp và hai nước đã ra Tuyên bố chung về việc nâng cấp quan hệ Việt Nam-Pháp lên Đối tác chiến lược toàn diện, trở thành nước EU đầu tiên có quan hệ ở mức cao nhất với Viêt Nam. Hai nước duy trì nhiều cơ chế hợp tác song phương đa dạng, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, tổ chức quốc tế.

Pháp là đối tác thương mại châu Âu lớn thứ năm của Việt Nam, kim ngạch thương mại năm 2024 đạt 5,42 tỷ USD. Pháp đứng thứ 16/147 quốc gia và lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 700 dự án đầu tư còn hiệu lực, tổng số vốn đầu tư đăng ký đạt 3,95 tỷ USD. Việt Nam có 20 dự án đầu tư tại Pháp với tổng vốn đăng ký đạt 38,93 triệu USD.

Pháp là nhà tài trợ châu Âu song phương ODA hàng đầu cho Việt Nam và Việt Nam đứng thứ 2 trong số các nước hưởng ODA của Pháp (từ năm 1993-2022, cung cấp và cho vay ưu đãi 16,7 tỷ EUR; trung bình 100 triệu EUR/năm, tập trung vào các lĩnh vực là cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, nông nghiệp, công nghiệp xanh và tài chính…).

Pháp là nước phương Tây đầu tiên có tùy viên quốc phòng tại Việt Nam (1991). Từ năm 1997, hai bên tổ chức Đối thoại chiến lược và hợp tác quốc phòng thường niên và luân phiên. Năm 2018, hai nước ký Thỏa thuận sửa đổi hợp tác Việt-Pháp trong lĩnh vực quốc phòng và Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2028.

Hợp tác khoa học công nghệ giữa hai nước được thực hiện thông qua các dự án do Quỹ đoàn kết ưu tiên (FSP) của Pháp tài trợ. Hai nước đã ký Hiệp định liên Chính phủ về hợp tác khoa học và công nghệ (3/2007); Hiệp định hợp tác về sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình (11/2009).

Cộng đồng người Việt tại Pháp hiện có khoảng 350.000 người, gồm nhiều thành phần và phần lớn đã vào quốc tịch Pháp, hòa nhập tốt với xã hội và có truyền thống lâu đời và gắn bó với đất nước.

Bảo Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-phap-emmanuel-macron-sap-tham-cap-nha-nuoc-toi-viet-nam-314981.html