Tổng thống Pháp Macron thăm Đức: Tín hiệu mới để củng cố quan hệ hai nước
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 9/10 đã tới Hamburg, bắt đầu chuyến thăm Đức 2 ngày để thảo luận với Thủ tướng Olaf Scholz những vấn đề cùng quan tâm.
Cuộc gặp diễn ra theo hình thức tham vấn Chính phủ Đức-Pháp, ngoài tập trung nói về các vấn đề chuyển đổi số, trong đó bao gồm cả trí tuệ nhân tạo, hai bên cũng đề cập đến những chủ đề nóng gần đây.
Trong những tháng qua, Pháp và Đức, hai thành viên có ảnh hưởng lớn nhất trong Liên minh châu Âu (EU) đã gặp phải những bất đồng về một số vấn đề, từ chiến lược quốc phòng của khối đến phản ứng của khối này trước cuộc khủng hoảng năng lượng và thậm chí cả chính sách tài chính.
Ngoài ra, những căng thẳng gia tăng giữa hai nước trong cách ứng phó với những cú sốc giá năng lượng, năng lượng hạt nhân cũng như việc tái vũ trang ở châu Âu cũng đang là vấn đề nóng hiện tại trong Liên minh châu Âu.
Trước đó, hồi đầu tháng Bảy vừa qua, Tổng thống Emmanuel Macron đã phải hoãn chuyến thăm cấp nhà nước tới Đức sau khi xảy ra cuộc biểu tình bạo loạn liên quan đến việc cảnh sát Pháp bắn chết một thiếu niên 17 tuổi vì không tuân thủ hiệu lệnh của cảnh sát khi tham gia giao thông.
Cuộc gặp"rất đáng khích lệ"
Theo hãng Reuters, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 10/10 cho biết ông đã có những cuộc thảo luận "rất đáng khích lệ" với chính phủ Đức về cải cách thiết kế thị trường điện ở châu Âu – vấn đề mà cả hai nước đang gặp phải, đồng thời nói thêm rằng các cuộc đàm phán sẽ kết thúc vào cuối tháng này.
Bình luận của Tổng thống Macron được đưa ra trong bối cảnh Pháp và Đức đang gặp phải những bất đồng về vai trò của năng lượng hạt nhân trong chương trình nghị sự xanh của Liên minh châu Âu (EU).
Trong một năm qua, căng thẳng đáng kể khác đã xuất hiện khi Pháp và Đức bất đồng về các nội dung cơ bản của "Thỏa thuận xanh" – một thỏa thuận hướng đến mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính và hạn chế sử dụng tài nguyên thiên nhiên nhưng vẫn đảm bảo về mặt phát triển kinh tế của Liên minh châu Âu.
"Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận sâu sắc, rất đáng khích lệ và đã đi đến thống nhất rằng các nhóm và bộ trưởng của chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau để đảm bảo có thể đạt được một thỏa thuận cần thiết vào cuối tháng này", Tổng thống Macron nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Đức Olaf Scholz.
Tổng thống Macron cho rằng Pháp, quốc gia chủ yếu dựa vào năng lượng hạt nhân trong khi Đức, quốc gia sử dụng nhiều than và khí đốt hơn nhưng đang đầu tư ồ ạt vào năng lượng tái tạo, sẽ có các tổ hợp năng lượng khác nhau để có thể bổ sung cho nhau.
"Sẽ là một sai lầm lịch sử nếu đánh mất chính mình trong những bất đồng nhỏ trong thời gian ngắn vì một bên thích hạt nhân còn bên kia thích năng lượng tái tạo hơn", Tổng thống Macron nhấn mạnh.
Phát biểu sau cuộc gặp tại thành phố cảng Hamburg của Đức, Tổng thống Macron cho biết cả Pháp và Đức đều sẵn sàng tìm kiếm một thỏa thuận về khuôn khổ EU đảm bảo sự tự do di chuyển của điện trên lục địa và tăng cường kết nối.
Dự kiến sẽ không có thông báo ngay lập tức thông tin cập nhật sau cuộc đàm phán, nhưng các chủ đề được đề cập trong cuộc họp đều rất quan trọng để tìm thấy tín hiệu mới trong quan hệ hai nước trong thời gian tới.
Những vấn đề quan tâm
Ông Jacob Ross, nhà phân tích chính trị tại Trung tâm Tương lai Châu Âu Alfred von Oppenheim cho biết các chủ đề ở Hamburg lần này sẽ bao gồm từ an ninh năng lượng, quốc phòng đến nhập cư.
Trong khi, nhà phân tích Maria Krpata thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp cho rằng việc "tạo ra một liên minh về trí tuệ nhân tạo" giữa hai nước này là quan trọng trong bối cảnh Lục địa Già đang tìm cách giảm thiểu rủi ro.
Bên cạnh đó, theo Asia Times, một trong những vấn đề nổi bật sẽ được Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz thảo luận lần này sẽ là việc cùng hợp tác phát triển Hệ thống chiến đấu mặt đất chủ lực (MGCS) – xe tăng Leopard 3. Đây là dự án này nằm trong chương trình Hệ thống chiến đấu mặt đất chủ lực châu Âu (MGCS) do Berlin và Paris cùng đồng hành.
MGCS sẽ là xe tăng đầu tiên được thiết kế hoàn toàn mới trên thế giới sau nhiều thập kỷ và được kỳ vọng sẽ thay thế các xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 của Đức và Leclerc của Pháp từ năm 2035.
Dự án này là một trường hợp để thử nghiệm cho sự hợp tác quốc phòng của châu Âu trong một môi trường được đánh dấu bởi những lo ngại về an ninh ngày càng cao do căng thẳng leo thang ở Ukraine gây ra. Cả Pháp và Đức đều có tầm nhìn riêng biệt cho MGCS, thể hiện qua các ưu tiên chiến lược và ưu tiên công nghệ khác nhau.
Nếu thành công, loại xe tăng MGCS sẽ có tầm hoạt động lớn hơn, độ ồn thấp hơn và tích hợp chức năng theo dõi im lặng nếu các cường quốc châu Âu có thể khắc phục được nhiều điểm vướng mắc khác nhau./.