Tổng thống Putin đứng đầu Hội đồng Nhà nước mới của Nga
Quyền hạn và vai trò của Hội đồng Nhà nước mới, cơ quan tư vấn cho nguyên thủ quốc gia Nga, đã được tăng lên sau cuộc bỏ phiếu quốc gia hồi mùa hè năm nay về việc sửa đổi Hiến pháp Nga.
Ngày 21/12, Cổng thông tin pháp lý chính thức Điện Kremlin vừa công bố một sắc lệnh cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin được xác nhận là người đứng đầu của Hội đồng Nhà nước Liên bang Nga.
Hội đồng Nhà nước mới sẽ khác với các cơ quan tiền nhiệm cả về thành phần và chức năng, với quyền hạn được mở rộng sau khi Hiến pháp Nga sửa đổi được thông qua sau cuộc bỏ phiếu quốc gia kéo dài một tuần vào cuối tháng 6 và đầu tháng 7.
Các nhà lập pháp Nga đã chính thức thông qua dự luật về vị trí, nền tảng tổ chức, luật pháp và các hoạt động của Hội đồng Nhà nước vào tháng 11, dự luật đã được Tổng thống ký thành luật vào ngày 8/12.
Theo sắc lệnh được công bố, Hội đồng Nhà nước mới có 104 thành viên gồm: Thủ tướng Mikhail Mishustin, các thống đốc, lãnh đạo của Duma Quốc gia và Hội đồng Liên bang (hai viện của Quốc hội Nga), lãnh đạo của các đảng trong Quốc hội, đặc phái viên của Tổng thống tại các quận liên bang, đại diện các hiệp hội công cộng và các quan chức khác. Một số thành viên của Hội đồng sẽ tham gia nhiệm vụ luân phiên.
Hội đồng bao gồm 18 ủy ban phát triển kinh tế và xã hội, từ hành chính công (do Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin đứng đầu) đến kinh tế kỹ thuật số, chăm sóc sức khỏe và đầu tư nước ngoài.
Ví dụ, nhiệm vụ của một ủy ban sẽ là thực hiện các phân tích về công việc của các cơ quan nhà nước ở các cấp khác nhau và đưa ra các khuyến nghị để cải thiện hiệu quả của chúng.
Hội đồng Nhà nước ban đầu được Tổng thống Putin thành lập vào tháng 9/2000, chưa đầy một năm sau nhiệm kỳ đầu tiên của ông, để cố vấn cho nguyên thủ quốc gia về các vấn đề quan trọng của đất nước.
Bình luận về vai trò mới, quyền lực hơn của Hội đồng trong công tác quản trị, Thư ký Hội đồng Nhà nước Igor Levitin cho biết, định dạng mới sẽ cho phép Hội đồng thực hiện một trong những lời hứa của Hiến pháp Nga sửa đổi.
"Những sửa đổi trong hiến pháp đã đưa ra một phạm trù pháp lý mới - quyền lực công. Để đảm bảo hoạt động phối hợp của tất cả các cơ quan quyền lực, để xem xét quan điểm của họ khi đưa ra quyết định, cần phải có những quyền hạn đặc biệt. Những quyền lực này thuộc về Hội đồng Nhà nước", ông Levitin nói.
Trước đây, Hội đồng có thời gian tồn tại trong nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô Viết Liên bang Nga (CHXHCNXVLB Nga) với nhiệm vụ tham mưu và tư vấn cho Tổng thống. Hội đồng được thành lập tháng 7/1991 bao gồm các thành viên Tổng thống, Phó Tổng thống, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Thư ký Hội đồng Bộ trưởng, Bộ trưởng một số Bộ, Chủ tịch Ủy ban Nhà nước, Cố vần chuyên môn.
Hội đồng bị bãi bỏ tháng 11/1991 và được thay bằng Hội đồng An ninh CHXHCNXVLB Nga.
Cho đến khi Tổng thống Putin lên nắm quyền, Hội đồng Nhà nước Liên bang Nga chính thức được tái lập.