Tổng thống Putin được lợi như thế nào nếu Mỹ công nhận Crimea thuộc Nga?
Nóng lòng muốn chấm dứt xung đột Nga - Ukraine, Tổng thống Mỹ Trump dường như đã có nước cờ rất táo bạo, đó là đề xuất công nhận bán đảo Crimea thuộc lãnh thổ của Nga. Động thái này nếu hiện thực hóa sẽ đem lại lợi thế to lớn cho nước Nga về nhiều mặt.
Phương Tây ngỡ ngàng trước đề xuất của Mỹ về Crimea
Theo một số nguồn tin nội bộ, Mỹ vào tuần trước đã đề xuất công nhận việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và đóng băng tiền tuyến hiện đại trong xung đột Nga - Ukraine, coi đó như một phần nội dung của thỏa thuận hòa bình về Ukraine. Đề xuất của phía Mỹ cũng bao gồm dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp lên Nga.

Bán đảo Crimea trông ra Biển Đen và án ngữ biển Azov. Đồ họa: Shuttersock.
Tổng thống Mỹ Trump đang cần có một thỏa thuận hòa bình cụ thể, giúp chấm dứt được xung đột Ukraine nhưng lại không bị coi là một thất bại.
Quan điểm mới của Mỹ về Crimea là một bước thay đổi lớn khi Mỹ trước đây luôn khẳng định Crimea là lãnh thổ không thể tách rời của Ukraine. Một quan chức phương Tây cho biết, các điều khoản trong thỏa thuận nói trên thực sự gây kinh ngạc.
Chính quyền ông Trump tỏ ra khá dứt khoát trong vấn đề này. Cả Tổng thống Mỹ Trump và Ngoại trưởng Mỹ Rubio đều tuyên bố sẽ từ bỏ nỗ lực trung gian hòa giải nếu không đạt thêm tiến triển đáng kể nào. Áp lực do vậy đang dồn lên chính quyền Ukraine.
Thực tế, cả Ngoại trưởng Mỹ Rubio và Đặc phái viên của Tổng thống Trump, Steve Witkoff, đều không dự hội nghị ở London (Anh) giữa quan chức Mỹ, EU và Ukraine vào ngày 23/4/2025. Trong khi đó, Ukraine lên kế hoạch gửi các quan chức cấp cao hơn, bao gồm ngoại trưởng của họ, tới hội nghị này.
Đồng minh của Ukraine hy vọng giành được đảm bảo an ninh cho Ukraine và các chương trình tái thiết dành cho quốc gia Đông Âu này để đối lấy các nhượng bộ lãnh thổ như trên. Theo đó, Nga sẽ phải chấm dứt hoạt động chiến sự ở Ukraine ngay cả khi Moscow đang giành được nhiều lợi thế trên chiến trường cũng như có ưu thế về quân số và về vũ khí.
EU lo ngại Crimea vĩnh viễn do Nga kiểm soát
Giới chức châu Âu và thậm chí cả Ukraine thừa nhận một cách riêng tư rằng trong thời gian ngắn, Ukraine ít khả năng giành lại được quyền kiểm soát đối với những vùng lãnh thổ đã rơi vào tay Nga, bao gồm bán đảo Crimea. Nga sáp nhập bán đảo chiến lược này từ Ukraine vào năm 2014.
Ngay từ đầu năm 2023, trong các buổi thông báo bí mật với giới lập pháp Mỹ, các nhà phân tích quân sự cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ đã hạ thấp khả năng Ukraine tái chiếm được Crimea bằng vũ lực quân sự. Năm 2024, chính Tổng thống Ukraine Zelensky cũng thừa nhận: “Chúng tôi không có đủ lực lượng để trở lại Crimea. Quân đội chúng tôi không đủ lực lượng. Chúng tôi phải tìm kiếm giải pháp ngoại giao”.
Giới chuyên gia nhận định, việc bỏ lại bán đảo Crimea (nơi có cảng Sevastopol bên bờ Biển Đen) vào tay Nga sẽ có tác động lớn đến toàn châu Âu.
Stefan Meister thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại của Đức đánh giá: “Crimea nói riêng có tầm quan trọng chiến lược đối với an ninh châu Âu nên nếu Crimea bị Nga kiểm soát lâu dài dưới bất cứ hình thức nào hoặc được luật pháp quốc tế công nhận là của Nga thì điều đó tuyệt đối không có lợi cho châu Âu”.
Việc Nga tiếp tục kiểm soát Crimea sẽ hạn chế đáng kể khả năng tiếp cận của Mỹ cũng như châu Âu đối với khu vực Trung Á.
Nếu Crimea được Mỹ (và sau đó là các đồng minh của Mỹ) chính thức công nhận thuộc Nga, điều này được cho là có thể gây tổn hại lớn đến lợi ích chiến lược và thế đứng của Mỹ và châu Âu trên khối lục địa Á-Âu.
Bán đảo Crimea giúp Nga kiểm soát tốt Biển Đen, khống chế vùng Nam Kavkaz. Khi Nga đã nắm được Crimea cũng như khu vực Kavkaz, họ lại ở vào thế khống chế tiếp Hành lang Kinh tế Trung Á-Kavkaz-châu Âu (CACE) - được xem là hành lang cạnh tranh với Hành lang phương Bắc xuyên Siberia do Nga chi phối.