Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bài phát biểu trước Quốc hội Liên bang mới đây đã thực hiện một động thái cứng rắn đối với Mỹ và phương Tây, đó là tuyên bố rút khỏi Hiệp ước New START.
Cụ thể, ông Putin nói rõ Nga ngừng tham gia New START (hiệp ước giữa Liên bang Nga và Mỹ về việc cắt giảm kho vũ khí hạt nhân chiến lược). Tổng thống cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng và Tập đoàn Rosatom chuẩn bị cho các vụ thử vũ khí hạt nhân có thể xảy ra.
“Thời hạn bảo trì đối với một số loại vũ khí hạt nhân của Mỹ sắp hết hạn, vì vậy Washington đang nghĩ đến việc thử vũ khí hạt nhân, có thông tin cho biết như vậy".
"Tất nhiên chúng tôi sẽ không phải là người đầu tiên thực hiện việc làm này, nhưng nếu nước Mỹ tiến hành thử nghiệm thì chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng”, Tổng thống Liên bang Nga nhấn mạnh.
Ông Putin nhắc lại rằng tập thể các quốc gia phương Tây không che giấu kế hoạch gây thất bại chiến lược đối với Nga, do vậy họ đang cố gắng đưa xung đột cục bộ lên cấp độ toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, Tổng thống Putin đã đánh giá mức độ trang bị đối với lực lượng răn đe hạt nhân của Liên bang Nga: “Chỉ số trang bị các hệ thống mới nhất là hơn 91%”, người đứng đầu Điện Kremlin nói thêm.
Trước diễn biến trên, trong một cuộc trò chuyện với tờ PolitExpert (PE), chuyên gia quân sự - Đại tá dự bị Alexei Sukonkin nhấn mạnh đến yếu tố: "Tổng thống Nga nói rằng tuổi thọ của các tên lửa Mỹ sắp hết, vì vậy cần phải chế tạo các đầu đạn mới".
Khi đưa vào sử dụng một mẫu đầu đạn thế hệ mới nào đó, sản phẩm trên cần phải trải qua một cuộc “thử nghiệm kiểm soát”. Thủ tục này áp dụng cho tất cả các loại công nghệ, kể cả vũ khí hạt nhân.
“Người Mỹ có nhu cầu cấp thiết là thử vũ khí nguyên tử. Nga không phải làm như vậy, bởi vì các nhà vật lý hạt nhân của chúng tôi đã vượt qua các đồng nghiệp từ bên kia đại dương".
"Cụ thể, họ đã tìm ra cách kiểm tra không phải toàn bộ đầu đạn thông qua vụ nổ thử nghiệm như cách phương Tây phải tiến hành, mà chỉ là một lượng tương đương nhất định trên quy mô nhỏ".
"Với sự trợ giúp của các cuộc thử nghiệm hạn chế như vậy, kho vũ khí hạt nhân của Nga được kiểm tra ở mức thích hợp và không gây thiệt hại nghiêm trọng cho môi trường”, chuyên gia quân sự Sukonkin nhấn mạnh.
Theo ông Sukonkin, kho vũ khí hạt nhân của Nga chỉ được cập nhật ở mức 91% chứ không phải 100%, bởi vì không thể lấy và thay thế tất cả các kho dự trữ cùng một lúc.
Điều này xảy ra theo trình tự, nhưng một ngày nào đó nước Nga có thể đạt được sự thay thế hoàn toàn đối với kho vũ khí hạt nhân của mình, người đối thoại của ấn phẩm PE lưu ý.
“Vì vậy, nếu câu trả lời cho câu hỏi là liệu Nga có thể khiến phương Tây sợ hãi bằng một vụ thử hạt nhân hay không, thì điều đó có thể xảy ra”, nhà quan sát quân sự này cho biết.
Tuy vậy cũng có ý kiến khác, khi một số nhà phân tích cho rằng Mỹ sẽ không cần thử hạt nhân dù chỉ là trên quy mô nhỏ, bởi công nghệ máy tính mô phỏng của nước này đã đạt đến mức độ hoàn hảo.