Tổng thống Putin lên án chủ nghĩa bài Nga tại lễ kỷ niệm cuộc vây hãm Leningrad
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 27/1 đã chỉ trích châu Âu vì 'bài Nga' và chỉ trích các nước vùng Baltic về nhân quyền tại lễ khánh thành tượng đài kỷ niệm 80 năm kết thúc cuộc vây hãm Leningrad của Đức Quốc xã.
Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine luôn so sánh hành động này với việc Hồng quân Liên Xô chống lại Đức Quốc xã tại Thế chiến 2 và để đoàn kết đất nước.
Phát biểu tại Leningrad nhân kỷ niệm 80 năm ngày kết thúc cuộc bao vây của Đức Quốc xã ở thành phố này, ông Putin cho biết: “Chế độ ở Kiev đề cao những kẻ đồng phạm với Hitler, những kể quốc xã… ở một số nước châu Âu, bài Nga được coi là chính sách nhà nước”.
Theo Tổng thống Putin, mục đích của người Đức khi tiến hành Thế chiến 2 là đánh cắp tài nguyên của Liên Xô và tiêu diệt người dân của quốc gia này.
Ông Putin nhắc lại, Ukraine vốn là một phần của Liên Xô và bị quân đội của Hitler tàn phá. Người đứng đầu điện Kremlin cũng chỉ trích các nước vùng Baltic về nhân quyền.
Estonia, Latvia, Lithuania, từng đều là một phần của Moscow trong Chiến tranh Lạnh nhưng hiện tại là thành viên của Liên minh châu Âu và NATO, lại là những nước chỉ trích mạnh mẽ nhất việc Nga đưa quân sang Ukraine.
“Ở các nước vùng Baltic, hàng chục nghìn người bị coi là hạ nhân, bị tước đoạt những quyền cơ bản nhất và bị đàn áp”, ông Putin nói, đề cập đến các cuộc đàn áp người di cư. Moscow đã nhiều lần cáo buộc các quốc gia vùng Baltic có thái độ bài ngoại và coi người thiểu số Nga tại đây là những côn dân "hạng hai".
Cuộc bao vây Leningrad là cuộc phong tỏa quân sự của quân đội Đức Quốc xã đối với thành phố Leningrad, nay là St. Petersburg, đồng thời là cuộc phòng thủ dài ngày nhất trong Chiến tranh thế giới thứ hai của Quân đội Liên Xô.
Cuộc phong tỏa Leningrad kéo dài 871 ngày; bắt đầu từ tháng 9/1941 và kết thúc vào ngày 27/1/1944. Trận Leningrad là một trong các biểu tượng lớn nhất của cuộc đọ sức cả về quân sự cũng như về sức chịu đựng của con người giữa Liên Xô Viết và Đức Quốc xã.