Tổng thống Putin: Nga chỉ có thể dựa vào chính mình trong vấn đề vũ khí
Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn cung cấp ổn định cho quân đội và nền quốc phòng vững mạnh trong việc đảm bảo an ninh quốc gia. Ông nói thêm rằng Nga chỉ có thể dựa vào nguồn lực của chính mình.
Trả lời phỏng vấn nhà báo Pavel Zarubin, ông Putin đề cập đến tầm quan trọng của việc Bộ Quốc phòng quản lý hiệu quả và bền vững lĩnh vực quốc phòng.
Tổng thống cho biết mọi thứ - bao gồm cả lương của binh sĩ và các đơn đặt hàng thiết bị mới - đều phụ thuộc vào việc đó, nói thêm rằng “điều đó rất quan trọng, đó là cơ sở”.
“Chúng ta chỉ có thể dựa vào chính mình trong vấn đề này. Sẽ không có ai đến với chúng ta với bàn tay rộng mở và quyên góp bất cứ thứ gì. Chúng ta chỉ có thể tự mình làm điều đó. Và chúng ta đang thành công”.
Cuối tháng 5, Tổng thống Putin nhấn mạnh “mỗi đồng rúp” chi cho lực lượng vũ trang phải được sử dụng một cách hiệu quả. Ông nói nguồn tài trợ không chỉ cần đáp ứng nhu cầu của quân đội mà còn phải “phù hợp” với nền kinh tế quốc gia.
Nga đã tăng cường ngành công nghiệp quốc phòng trong bối cảnh xung đột với Ukraine. Hồi tháng 5, người đứng đầu tập đoàn quốc phòng Rostec, Sergey Chemezov, cho biết sản lượng pháo tự hành đã tăng gấp 10 lần và sản lượng pháo kéo tăng 14 lần. Rostec cung cấp khoảng 80% vũ khí được quân đội Nga sử dụng trong chiến dịch ở Ukraine.
Cũng theo ông Chemezov, sản lượng đạn cho xe tăng và xe chiến đấu bộ binh đã tăng 900%, đạn pháo tăng 600% và đạn cho MLRS tăng 800%.
Khả năng của ngành công nghiệp quốc phòng Nga đã làm dấy lên mối lo ngại trong số những đồng minh phương Tây của Kiev. Ukraine chủ yếu dựa vào viện trợ quân sự nước ngoài trong cuộc xung đột với Nga. Hồi tháng 2, The Guardian đưa tin tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp quốc phòng của Nga cao hơn nhiều so với dự đoán của nhiều nhà hoạch định quốc phòng phương Tây.
Mátxcơva cảnh báo rằng việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột mà không làm thay đổi kết quả. Theo Viện Kinh tế Thế giới Kiel của Đức, nơi theo dõi viện trợ tài chính và quân sự phương Tây cho Kiev, Washington và các đồng minh đã chi hàng chục tỷ euro mua vũ khí cho Ukraine.
Mỹ dẫn đầu danh sách các nhà tài trợ lớn nhất cho Kiev với 50,4 tỷ euro chi cho vũ khí. Đức và Anh đứng thứ hai và thứ ba với lần lượt 10,2 tỷ euro và 8,8 tỷ euro.