Tổng thống Putin: Nga phải bảo vệ chủ quyền chính trị, độc lập kinh tế
Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg (SPIEF) tổ chức ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: Reuters
Ngày 17/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có bài phát biểu quan trọng tại phiên toàn thể Diễn đàn Kinh tế Saint Petersburg 2022 (SPIEF 2022).
Bài phát biểu đề cập nhiều thách thức quan trọng đối với nước Nga và nền kinh tế thế giới, trong đó nhà lãnh đạo nhấn mạnh Nga phải bảo vệ chủ quyền chính trị và độc lập kinh tế của mình.
Mở đầu bài phát biểu dài hơn hai tiếng và bị gián đoạn với những tràng pháo tay của các đại biểu, Tổng thống Putin đã đề cập tác động của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga.
Ông nhận xét tốc độ và khối lượng của các lệnh trừng phạt chống lại Moscow chưa từng có tiền lệ và phần nhiều được thực hiện một cách vội vàng. Do đó, cuộc chiến trừng phạt “chớp nhoáng” đã không thành công, những dự đoán u ám về nền kinh tế Nga đã không trở thành hiện thực, những nỗ lực cô lập và loại bỏ Nga cũng không mang lại kết quả.
Tổng thống Putin cũng lưu ý tới cuộc chiến tranh thông tin của phương Tây. Ông tin rằng những thay đổi hỗn loạn sẽ có thể tiếp diễn và mọi thứ khó trở lại bình thường như trước đây.
Đề cập tới Liên minh châu Âu (EU), nhà lãnh đạo Nga cho rằng khối này đã mất đi “chủ quyền chính trị” của mình. Theo ông, EU đã đi theo con đường dẫn tới chủ nghĩa cấp tiến và sự biến đổi của giới tinh hoa, tình trạng lạm phát và bất bình đẳng gia tăng.
Tổng thống Putin cũng chỉ trích phương Tây vì đã đổ lỗi cho cá nhân ông gây ra khó khăn kinh tế và nhấn mạnh hành động của Nga ở Ukraine không liên quan tới tình trạng lạm phát cao ở các nước phát triển.
Tổng thống Nga cho biết các chính trị gia châu Âu đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế của họ khi thực hiện các biện pháp trừng phạt. Các nước khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) không tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự đặc biệt nào, nhưng lạm phát của họ ở mức cao, trong đó tại một số nước lạm phát đã vượt quá 20%. Ngoài ra, những thiệt hại trực tiếp có thể tính được của EU do áp đặt các lệnh trừng phạt chống Nga sẽ lên tới 400 tỉ USD.
Nhà lãnh đạo Nga cho rằng lãi suất cao trong nước cho phép người dân gửi tiền tiết kiệm vào ngân hàng. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận các lệnh trừng phạt làm gia tăng lạm phát và chính quyền đã nỗ lực hết sức để kìm chế, nhưng vẫn còn ở mức cao.
Tổng thống Putin đề xuất giảm tỉ lệ vay thế chấp ưu đãi xuống còn 7% và kéo dài cho đến cuối năm nay sau khi cắt giảm lãi suất. Ông cũng chỉ đạo chính phủ từ bỏ các kế hoạch thanh, kiểm tra không cần thiết, không thực hiện các bước đi cản trở hoạt động bình thường của doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, ông cũng đưa ra lời khuyên với các doanh nhân nên đầu tư vào các dự án trong nước.
Tổng thống Putin nhấn mạnh rằng thành công thực sự và lâu dài chỉ đến khi doanh nghiệp gắn kết tương lai của mình với tương lai của quê hương đất nước. Ông cho biết nhà nước sẽ tuân thủ nguyên tắc tự do kinh doanh, coi đây là nền tảng phát triển lâu dài của đất nước, nhưng cũng chỉ ra thực tế là những người gắn kết tương lai của họ với phương Tây đã mất hàng tỉ USD.
Tổng thống Putin khẳng định cuộc tấn công kinh tế chống lại nước này không có cơ hội thành công, vũ khí trừng phạt là con dao hai lưỡi và rằng Nga sẽ đương đầu với bất kỳ thách thức nào, toàn bộ lịch sử hàng nghìn năm của nước này đã nói lên điều này. Trong bối cảnh phải đối phó với các biện pháp trừng phạt chưa từng có, ngân sách của Liên bang Nga vào năm 2022 vẫn sẽ có được khoản thặng dư 3.000 tỉ ruble.
Về cuộc khủng hoảng lương thực, Tổng thống Putin cho rằng nước này không phải là bên gây ra tình trạng tăng giá trên thị trường ngũ cốc toàn cầu, nhưng cáo buộc một số quốc gia đẩy giá lương thực lên bằng cách in tiền và "vơ vét" lương thực trên thị trường toàn cầu.
Ông khẳng định Nga không can thiệp nguồn cung cấp lương thực từ Ukraine, nhưng cho rằng việc xuất khẩu ngũ cốc của quốc gia này có thể là một phần của khoản thanh toán cho việc cung cấp vũ khí.
Lãnh đạo Nga nhận định sự thiếu hụt phân bón trên thị trường sẽ dẫn đến sản lượng thấp hơn và điều này có nguy cơ khiến cây trồng “bị chết đói”. Từ giữa năm 2021 đến tháng 2/2022, giá phân bón toàn cầu đã tăng 70% và không có điều kiện tiên quyết để giảm giá.
Trong tình hình hiện nay, nhiệm vụ quan trọng nhất đối với cộng đồng thế giới là tăng cường cung cấp thực phẩm cho thị trường và Nga có khả năng làm được việc này.
Theo Tổng thống Putin, các biện pháp trừng phạt của phương Tây được xây dựng dựa trên thực tế là họ không coi Nga là một quốc gia có chủ quyền. Do đó, Moscow phải đứng lên bảo vệ chủ quyền chính trị và độc lập kinh tế, bảo vệ quyền phát triển tự do và an ninh của mình, chống lại những giá trị giả và sự suy thoái.
Nhà lãnh đạo khẳng định các thử thách hiện tại không làm thay đổi các kế hoạch chiến lược đối với sự phát triển của Liên bang Nga, nhưng Moscow sẽ thực hiện các điều chỉnh linh hoạt.
Ông nhấn mạnh nền kinh tế Nga sẽ dựa trên sự cởi mở trong quá trình phát triển, sẽ không bao giờ đi theo con đường tự cô lập và sẽ mở rộng hợp tác với những nước muốn cùng làm việc. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo cũng lưu ý rằng, bất cứ đối tác nào muốn tiếp tục làm việc với Nga đều phải chịu áp lực.
Kết luận bài phát biểu, nhà lãnh đạo Nga khẳng định đất nước đang bước vào kỷ nguyên có chủ quyền mới và sẽ tận dụng mọi cơ hội để trở nên mạnh mẽ hơn nữa.
Trong bối cảnh các hạn chế kinh tế khiến thương mại của nước này giảm tới 50%, ông German Gref, Giám đốc điều hành Sberbank - ngân hàng hàng đầu nước Nga, ngày 17/6 đưa ra nhận định: Nền kinh tế Nga có thể phải cần tới một thập niên để quay trở về mức của năm 2021 - thời điểm các nước phương Tây chưa áp đặt các lệnh trừng phạt Moscow liên quan đến việc nước này triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg 2022 đang diễn ra tại thành phố cùng tên, ông Gref ước tính các nước áp đặt trừng phạt đối với Nga chiếm khoảng 56% kim ngạch xuất khẩu và 51% kim ngạch nhập khẩu của Nga.
Theo ông, đây là mối đe dọa đối với 15% Tổng sản phẩm quốc nội của Nga. Nếu không có biện pháp gì, Nga có thể cần khoảng một thập niên mới có thể đưa kinh tế trở về mức của năm 2021. Do đó, Giám đốc điều hành Sberbank đã kêu gọi tái cơ cấu nền kinh tế Nga.
The ông Gref, các chuyến hàng đã giảm 6 lần, trong khi vận chuyển bằng đường biển và đường hàng không cũng bị cản trở do các biện pháp trừng phạt, không cho các hãng hàng không Nga bay theo hướng Tây và các tàu treo cờ Nga không được cập cảng Liên minh châu Âu (EU).
Dù thừa nhận kinh tế Nga đối mặt với những trở ngại lớn, song giới chức nước này vẫn khẳng định nền kinh tế đang vận hành tốt hơn dự kiến ban đầu, một phần do giá năng lượng cao hơn giúp đảm bảo nguồn thu. Khi EU chuẩn bị loại bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga vào năm 2027, Nga đã chuyển hơn 50% lượng dầu sang châu Á.
Theo ông Dmitry Pankov, Giám đốc điều hành Tập đoàn Delo vận hành công ty vận chuyển hàng hóa đường sắt hàng đầu của Nga là Transcontainer và Global Ports và nhiều cảng biển, việc vận chuyển hàng vẫn tiếp tục, các khách hàng châu Á bắt đầu tăng lên.