Tổng thống Putin sử dụng quân bài răn đe hạt nhân, phương Tây tăng tốc chuyển vũ khí cho Ukraine
Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tổ chức các cuộc họp riêng rẽ trong hôm 28/2 để thảo luận về chiến sự giữa Nga và Ukraine.
Hội đồng Bảo an LHQ sẽ tổ chức một cuộc họp về những hậu quả nhân đạo mà cuộc xung đột Nga-Ukraine gây ra, trong khi cuộc họp của Đại hội đồng LHQ nhằm lên án chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Hai cuộc họp được tổ chức trong bối cảnh Nga phủ quyết một nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ trong hôm thứ Sáu tuần trước. Nghị quyết này yêu cầu Nga lập tức ngừng tấn công Ukraine và rút hết binh sĩ. Kết quả bỏ phiếu là 11 thuận/1 chống, trong khi Trung Quốc, Ấn Độ và UAE bỏ phiếu trắng.
Quân đội Nga hiện đang thực hiện chiến dịch tại nhiều thành phố của Ukraine. Điều này khiến họ trở thành mục tiêu của hàng loạt lệnh trừng phạt của quốc tế, từ lệnh cấm máy bay Nga đi vào không phận phương Tây cho đến ngắt kết nối vào mạng lưới tài chính SWIFT.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra chỉ thị cho các lực lượng răn đe hạt nhân sẵn sàng ở mức độ cao, một động thái mà Lầu Năm Góc cho là “leo thang” và làm tăng rủi ro tính toán sai. Mỹ và các nước châu Âu cũng cho hay họ sẽ tăng cường chuyển giao vũ khí cho phía Ukraine.
Giới chức Ukraine sẽ gặp gỡ các đối tác Nga tại biên giới với Belarus. Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tỏ rõ sự hoài nghi của ông rằng cuộc gặp này có thể không mang lại kết quả gì, nhưng nói phía Kiev vẫn nỗ lực dù cơ hội hòa bình rất ít ỏi.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden có dự định thảo luận với các đồng minh về khủng hoảng Ukraine tại Washington trong hôm đầu tuần.
Sơ đồ chiến sự đang diễn ra tại Ukraine (Ảnh: SCMP)
Phương Tây chỉ trích động thái mới của ông Putin
Các nước phương Tây đã chỉ trích việc ông Putin ra lệnh cho các lực lượng hạt nhân sẵn sàng ở mức độ cao. Trước đó, trong hôm 27/2, Tổng thống Nga ra lệnh cho các lực lượng hạt nhân được đặt trong cảnh báo cao để phản ứng với điều mà ông gọi là các bước đi “không thân thiện của phương Tây”. Nga hiện là nước sở hữu số lượng vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo cao nhất thế giới.
Mỹ, siêu cường hạt nhân đứng thứ hai thế giới, đã chỉ trích động thái trên, cho rằng chỉ thị của ông Putin là “hoàn toàn không thể chấp nhận”, Đức cho rằng ông Putin đưa ra chỉ thị như vậy là do chiến dịch ở Ukraine bị trì trệ và không theo đúng kế hoạch. Trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg gọi đây là “luận điệu nguy hiểm”.
“Đây là giọng điệu mà chúng ta đã chứng kiến từ Tổng thống Putin trong suốt cuộc xung đột này, trong đó thêu dệt nên những mối đe dọa không có thật để biện minh cho những hành động hung hăng tiếp theo” – thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với kênh ABC.
Một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho rằng bước đi của ông Putin được đưa ra trong lúc các lực lượng Ukraine, với sự hỗ trợ của vũ khí phương Tây, tiếp tục ngăn chặn được đà tiến của binh sĩ Nga – hiện đang gặp khó khăn về hậu cần.
“Chúng tôi tin rằng đây không chỉ là một bước đi không cần thiết đối với ông Putin, mà còn là một bước đi làm gia tăng căng thẳng” – vị quan chức cho hay.
Mỹ gửi tên lửa chống tăng Stinger cho Ukraine
Mỹ lần đầu tiên phê duyệt việc chuyển giao trực tiếp tên lửa Stinger cho phía Ukraine, một phần trong gói hỗ trợ quân sự được Nhà Trắng thông qua trong hôm thứ Sáu tuần trước. Thời điểm bàn giao tên lửa cho Ukraine vẫn chưa rõ, nhưng giới chức Mỹ cho rằng họ đang giải quyết các vấn đề hậu cần liên quan.
Quyết định này được đưa ra sau khi Đức tuyên bố sẽ chuyển 500 tên lửa Stinger cùng nhiều vũ khí khác cho Ukraine.
Tên lửa Stinger có tốc độ cao và cực kỳ chính xác. Nó được sử dụng để bắn hạ trực thăng và các loại máy bay khác. Giới chức Ukraine trước đó đã liên tục đề nghị phương Tây cung cấp cho họ thêm các loại vũ khí mạnh mẽ.
Các nước Baltic cũng đã cung cấp tên lửa Stinger cho Ukraine từ tháng 1 năm nay. Canada cho hay họ sẽ gửi thêm các trang thiết bị quốc phòng trị giá 25 triệu USD cho Ukraine. Ngoại trưởng Canada Melanie Joly cho hay các trang thiết bị này bao gồm mũ, áo giáp chống đạn, mặt nạ phòng độc và thiết bị hồng ngoại.