"Khi đó tôi là Thư ký Hội đồng An ninh Nga. Tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang khi đó là Đại tướng Anatoly Kvashnin tới chỗ tôi nói về ý tưởng chiếm sân bay Pristina", Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 14-6 nói trên kênh Rosiya 1, kể về quyết định táo bạo năm 1999, vào giai đoạn cuối của cuộc chiến Kosovo.
Xung đột bùng phát ở Kosovo năm 1998, khi phe ly khai Quân giải phóng Kosovo đụng độ với lực lượng an ninh Nam Tư và người Serbia dưới quyền Tổng thống Slobodan Milosevic.
Từ tháng 3-1999, NATO can thiệp, ném bom các mục tiêu của chính phủ và quân đội Serbia, buộc ông Milosevic đồng ý ký thỏa thuận hòa bình, theo đó quân đội Serbia sẽ rút khỏi Kosovo và thay vào đó là lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO - Nga.
Khi chiến tranh Kosovo kết thúc vào ngày 11-6-1999, Nga lên kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình độc lập với NATO tại Kosovo, nhưng vấp phải sự phản đối và cản trở của NATO.
Giới chức NATO lúc đó lo ngại một khu vực do Nga kiểm soát riêng rẽ có thể dẫn tới việc Kosovo bị phân tách thành hai vùng của người Serbia và người Albania.
Ông Putin, Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga lúc đó, đã hỏi tướng Kvashnin về sự cần thiết của hành động quân sự mạo hiểm nhằm chiếm sân bay Pristina.
"Ông ấy nói rằng chúng ta sẽ phải rời khỏi đó sau thời gian ngắn, nhưng ít nhất cũng có thứ gì đó để thỏa thuận", ông Putin kể lại. "Tôi nói với ông ấy rằng cứ tiến hành nếu thấy phù hợp".
Chiến dịch đánh chiếm sân bay Pristina tại Kosovo, khi đó thuộc Nam Tư, được lực lượng đổ bộ đường không Nga (VDV) tiến hành ngày 12-6-1991 với sự tham gia của 206 lính dù, 15 thiết giáp BTR cùng 35 xe cơ giới.
Lực lượng VDV này đang làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình tại Bosnia, được điều sang Kosovo để tiến hành chiến dịch.
Trước hành động táo bạo của phía Nga, chỉ huy tối cao của NATO khi đó là Đại tướng lục quân Mỹ Wesley Clark muốn phong tỏa các đường băng sân bay Pristina để quân đội Nga không thể sử dụng.
Tuy nhiên, Trung tướng lục quân Anh Michael Jackson, chỉ huy lực lượng gìn giữ hòa bình NATO tại Kosovo, từ chối thực thi mệnh lệnh.
Các báo cáo sau này cho biết tướng Jackson khi đó không phong tỏa sân bay Pristina vì ông cho rằng hành động đối đầu như vậy có thể châm ngòi cho Thế chiến III.
Sau các cuộc đàm phán, Nga đạt được thỏa thuận triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tại Kosovo và lực lượng này nằm ngoài quyền chỉ huy của Bộ Tư lệnh NATO.
Sân bay Pristina dưới quyền kiểm soát của Nga mở cửa và đón các chuyến bay quốc tế từ ngày 15-10-1999. Lực lượng gìn giữ hòa bình Nga tiếp tục đóng quân tại Kosovo tới tháng 7-2003 rồi rút về nước.
Việt Hùng (Theo AP)