Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẵn sàng nối lại hòa đàm, quan chức Ukraine nói 'không thỏa hiệp'
Ngày 28/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moskva sẵn sàng nối lại cuộc đối thoại hòa bình với chính quyền Ukraine nhằm chấm dứt xung đột.
Hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz ngày 28/5, nhà lãnh đạo Nga Putin khẳng định Moskva sẵn sàng nối lại cuộc đối thoại với Kiev, đồng thời cũng cảnh báo về mối nguy hiểm của việc phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Trong một thông cáo, Văn phòng Báo chí Điện Kremlin nêu rõ: “Sự chú ý đặc biệt được dành cho tiến trình đàm phán, vốn đang bị đóng băng vì Kiev. Tổng thống Putin xác nhận Nga để ngỏ khả năng nối lại đối thoại… Tổng thống (Putin) cũng nêu bật sự nguy hiểm của tình trạng phương Tây tiếp tục bơm vũ khí vào Ukraine, cảnh báo nguy cơ leo thang bất ổn và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo”.
Nhà lãnh đạo Nga cho rằng những khó khăn về nguồn cung lương thực hiện nay chính là hệ quả của các đòn trừng phạt chống Nga và những bước đi sai lầm khác của phương Tây. Thông cáo có đoạn: "Dựa trên số liệu cụ thể, Tổng thống Putin đã giải thích lý do thực sự cho những khó khăn về nguồn cung lương thực. Đó là kết quả từ những chính sách kinh tế và tài chính sai lầm của các nước phương Tây, cũng như các biện pháp trừng phạt chống Nga mà họ áp đặt".
Điện Kremlin lưu ý: "Nga sẵn sàng góp phần tìm kiếm các lựa chọn cho hoạt động xuất khẩu ngũ cốc không bị cản trở, bao gồm cả các chuyến hàng xuất khẩu ngũ cốc Ukraine từ các cảng ở Biển Đen… Tăng nguồn cung phân bón và nông sản Nga cũng sẽ giúp giảm căng thẳng trên thị trường lương thực toàn cầu. Tất nhiên, điều này sẽ đòi hỏi phải dỡ bỏ các hạn chế liên quan". Tổng thống Putin cũng tuyên bố phía Nga đảm bảo rằng các chuyến hàng ngũ cốc xuất khẩu có thể diễn ra tại các hải cảng của Ukraine ở Biển Đen.
Về phần mình, theo một đoạn ghi âm cuộc điện đàm mà phía Đức có được, thì cả Thủ tướng Scholz và Tổng thống Macron đều đã hối thúc Tổng thống Putin thực thi ngay lập tức một lệnh ngừng bắn và rút binh sĩ Nga khỏi Ukraine.
Trong khi đó, cùng ngày, Cố vấn hàng đầu của Tổng thống Ukraine, ông Mikhail Podoliak tuyên bố bất kỳ thỏa thuận nào với Moscow "không đáng giá một xu". Bất chấp đà tiến của quân đội Nga ở vùng Donbass, Trưởng đoàn đàm phán hòa bình của Ukraine Mikhail Podoliak nhấn mạnh rằng Kiev sẽ không tìm kiếm một thỏa thuận với Moskva. Tuyên bố này mâu thuẫn với những phát biểu trước đó về ngoại giao của Tổng thống Volodymyr Zelensky.
Quan chức Ukraine viết trên trang mạng Telegram: “Bất kỳ thỏa thuận nào với Nga đều không đáng giá 1 xu. Ukraine sẽ chiến đấu với Nga cho đến thắng lợi cuối cùng. Nga chỉ có thể bị ngăn chặn bằng vũ lực".
Mikhail Podoliak là trưởng đoàn đàm phán hòa bình Ukraine trong những tuần đầu tiên sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt ngày 24/2. Thời điểm này, việc ông Podoliak chỉ trích các cuộc đàm phán với Moskva lại trái ngược với nhận thức của Tổng thống Volodymyr Zelensky hồi đầu tuần rằng Kiev "có thể nỗ lực và đi theo con đường ngoại giao", nếu Tổng thống Putin sẵn sàng đối thoại trực tiếp.
Hãng thông tấn Ukrinform của Ukraine dẫn phát biểu ngày 6/5 của Tổng thống Zelensky khẳng định Kiev sẵn sàng nối lại tiến trình đàm phán giải quyết xung đột với Moskva sau khi các lực lượng của Nga quay trở lại vị trí như trước ngày 24/2 - thời điểm Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” ở Ukraine.
Hãng tin AFP dẫn lời Trưởng đoàn đàm phán Nga Vladimir Medinsky ngày 22/5 cũng tuyên bố Moskva sẵn sàng nối lại tiến trình đàm phán, song cần có được sự nhất trí từ phía Kiev. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Belarusian TV, ông Medinsky nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng tiếp tục đối thoại”. Theo quan chức này, việc nối lại hòa đàm hiện phụ thuộc vào quyết định của phía Ukraine và “Nga chưa bao giờ khước từ những cuộc đàm phán”.
Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Alexei Zaisev cho biết tiến trình hòa đàm giữa Nga và Ukraine đang bị đình trệ. Ông nhấn mạnh các quốc gia thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bề ngoài tuyên bố ủng hộ sớm chấm dứt xung đột, nhưng đang làm mọi việc để không cho triển vọng đó trở thành hiện thực bằng cách tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine với quy mô hàng tỷ USD.