Tổng thống sốt rét
Càng cảnh báo, tổng thống Donald Trump càng muốn dùng thuốc sốt rét chiến với COVID-19 và ông dùng thật. Ông khoe đã xài hơn tuần và hứa dừng cuối tuần này sau khi bị phản đối dữ. Người đứng đầu cường quốc khoa học hàng đầu thế giới hành động phản khoa học gợi đến cái gì đó bất bình thường của thế giới sùng khoa học.
Thực ra tổng thống tự kê đơn là dựa trên niềm tin khoa học hẳn hoi chứ không phải niềm tin tôn giáo. Hydroxychloroquine 65 năm qua dùng để trị sốt rét và các bệnh tự miễn dịch như viêm khớp và lupus ban đỏ. Nay nó được nhận định có thể ngừa COVID-19 nếu kết hợp kẽm và azithromycin, loại kháng sinh bất lực với bất kỳ virus nào.
Đặc điểm tư duy phương tây và giờ đây lan ra cả thế giới là mọi cái phải dựa trên bằng chứng. Quyết định của Trump cũng thế song hiềm nỗi bằng chứng của ông ít hơn các bằng chứng đối lập. Trong phe phản đối có Cơ quan Thuốc và Thực phẩm (FDA) Mỹ được hiểu như phán quyết tối cao.
Song quá trọng bằng chứng lại trói chân khoa học, lĩnh vực luôn đòi hỏi sáng tạo và vượt qua kinh nghiệm tức vượt bỏ chính bằng chứng. Tháng 2, một nhóm khoa học gia ở Seattle phát hiện ca dương tính đầu tiên bằng test do họ tự làm. Xin nghiên cứu chính thức bị FDA và Cơ quan Kiểm soát và Phòng bệnh (CDC) bác vì chưa có bằng chứng chắc chắn. Mỹ và châu Âu phản ứng chậm với đại dịch COVID-19 chủ yếu cũng vì quá nệ vào bằng chứng và tự mãn với hệ thống y tế được bảo hoàn hảo.
Sùng bái khoa học và hậu quả của nó đã được triết gia Đức Nietzsche thổn thức hơn trăm năm trước. Tưởng trở nên mạnh mẽ hơn, loài người thực sự yếu đuối và bất lực hơn trên nhiều phương diện. Thế giới hiện ra như kết quả của vô số sai lầm và ảo tưởng nhờ tiến bộ không ngừng của khoa học, Nietzsche giãi bày tiếp.
Khó mà biết thuốc sốt rét kia có công hiệu không dù Trump phớt lờ khẩu trang và quả tình chưa nhiễm. Ranh giới đúng sai mập mờ đến mức Ấn Độ cũng lấy nó để chống đại dịch. Chừng 500 bác sỹ đòi tổng thống Trump gỡ phong tỏa lại thêm bằng chứng về nhiều người quá ngán với bằng chứng.
Nghịch lý ở chỗ bằng chứng khoa học không phải chỉ toàn hay. Thế giới hỗn loạn một phần vì Mỹ-Âu choảng Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới quanh bằng chứng COVID-19. Tình trạng mất phương hướng bởi chính khoa học được Nietzsche gọi là “hư vô”. Ông tiên tri chủ nghĩa hư vô thống trị ít nhất hai thế kỷ cho đến khi “khát vọng quyền lực” trước thiên nhiên và trong xã hội bị triệt thoái xuống ngưỡng an toàn.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/tong-thong-sot-ret-1662474.tpo