Tổng thống Sri Lanka đề xuất kế hoạch giải quyết khủng hoảng kinh tế
Ngày 3/8, Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe cho biết chính phủ nước này đang soạn thảo một lộ trình chính sách quốc gia trong 25 năm tới nhằm giảm nợ công và đưa đất nước trở thành một nền kinh tế xuất khẩu cạnh tranh.
Phát biểu trước Quốc hội, Tổng thống Wickremesinghe cho biết Sri Lanka cần các giải pháp dài hạn và một nền tảng vững chắc để ngăn chặn khủng hoảng kinh tế tái diễn. Ông đồng thời kêu gọi các nhà lập pháp giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế đang làm chao đảo nước này. Ông cảnh báo Sri Lanka đang đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có dự báo sẽ tiếp tục kéo dài ít nhất cho đến cuối năm nay.
Cũng theo nhà lãnh đạo Sri Lanka, nước này đã tái khởi động các cuộc đàm phán với Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) về một gói cứu trợ trong 4 năm và đã hoàn thiện kế hoạch tái cơ cấu nợ nước ngoài. Dự kiến, Sri Lanka sẽ sớm gửi bản kế hoạch đến IMF và đàm phán với các quốc gia cho vay.
Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Ngày 20/7 vừa qua, Quốc hội Sri Lanka đã bầu ông Ranil Wickremesinghe làm Tổng thống mới của quốc gia này, thay thế ông Gotabaya Rajapaksa - người đã rời khỏi Sri Lanka và thông báo từ chức.
Tháng 4 vừa qua, Sri Lanka thông báo nước này đã ngừng trả nợ nước ngoài, trị giá khoảng 12 tỷ USD và cần phải trả 21 tỷ USD nợ vào cuối năm 2025. Tân Tổng thống Wickremesinghe hy vọng đạt thỏa thuận với IMF ở cấp chuyên viên trước cuối tháng 8, đồng thời cho biết Sri Lanka sẽ phải tìm thêm 3 tỷ USD từ các nguồn khác vào năm tới để giải quyết vấn đề nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, trong đó có nhiên liệu, năng lượng và phân bón. Theo ông, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, phải nhiều tháng nữa điều kiện sống của người dân Sri Lanka mới có thể được cải thiện.