Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đối mặt khủng hoảng chính trị sau thảm họa động đất
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhận thức mệnh chính trị của ông phụ thuộc vào phản ứng nhanh chóng và dứt khoát đối với trận động xảy ra hôm 6.2.
Khi một trận động đất lớn làm rung chuyển khu vực Izmit gần Istanbul vào năm 1999, Thủ tướng Bulent Ecevit lúc bấy giờ đã “tê liệt” vì mức độ nghiêm trọng của thảm họa. Ông Ecevit đã bị lên án rộng rãi vì đã không huy động lực lượng đủ nhanh. Trận động đó khi đó đã giết chết khoảng 18.000 người.
Theo Politico, ông Erdogan dường như quyết tâm tránh những sai lầm tương tự. Vài giờ sau khi những cơn chấn động đầu tiên xảy ra, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng nói rõ rằng ông hiện đang chịu trách nhiệm và tỏ ra rất tức giận và thất vọng với những nỗ lực ban đầu của chính quyền địa phương trong việc triển khai các hoạt động cứu hộ khẩn cấp.
Phát biểu tại trung tâm điều phối thảm họa của đất nước ở Ankara, ông Erdogan cho biết đất nước đã bị nhấn chìm bởi thảm họa thiên nhiên lớn nhất kể từ năm 1939, khi một trận động đất lớn xảy ra ở tỉnh Erzincan phía đông, san bằng hoặc làm hư hại nghiêm trọng hơn 100.000 tòa nhà và giết chết khoảng 33.000 người.
“Mọi người đều đang nỗ lực hết mình, mặc dù mùa đông, thời tiết lạnh giá và động đất xảy ra vào ban đêm khiến mọi việc trở nên khó khăn hơn”, ông Ankara nói hôm 6.2. Một ngày sau, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 3 tháng đối với 10 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi trận động đất.
Gonul Tol, giám đốc Chương trình Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Trung Đông, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Washington DC, cho biết báo chí đã chỉ trích chính phủ vào năm 1999 vì phản ứng khẩn cấp yếu kém. “Tương tự như vậy, trong khi trận động đất lần này không thể được ngăn chặn, thì sự đau khổ đã tăng lên do phản ứng không đầy đủ trong vài giờ ngay sau khi chúng xảy ra”, Tol nói với Politico từ Hatay, một trong những khu vực bị tàn phá bởi trận động đất
Bà Tol, người đã mất hai người thân trong trận động đất hôm 6.2, cho biết: “Thảm kịch đã trở nên tồi tệ hơn - đặc biệt là đối với những người như tôi, những người đã mất người thân. Tôi đã ở đó, và không có đội cứu hộ. Người dân đang cố gắng tự mình đào bới những người thân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Vì vậy, trong nhiều giờ, chúng tôi không thể tìm thấy ai để giúp đỡ. Trời lạnh cóng, không có thức ăn, không có nước uống và chúng tôi không thể gặp bất kỳ ai từ chính phủ, chúng tôi không thể thấy bất kỳ ai từ bất kỳ tổ chức nhà nước nào, không có nhân viên cứu hộ, không có gì cả”.
Tol nói rằng có trận động đất ở Izmit vào năm 1999 đã làm lung lay các thể chế của đất nước và định hình lại nền chính trị của đất nước theo những cách mà sau này đã hỗ trợ ông Erdogan lên nắm quyền. Tại cuộc bầu cử quốc hội vào năm 2002, đảng Dân chủ cánh tả của cựu Thủ tướng Ecevit đã không vượt qua ngưỡng 10% phiếu bầu cần thiết để đảm bảo các ghế trong quốc hội. Đảng Công lý và Phát triển của ông Erdogan đã giành chiến thắng vang dội.
Theo nhà sử học và cựu nhà báo Stephen Kinzer của New York Times, chính quyền ông Ecevit đã bị “tê liệt” bởi sự tàn phá quy mô lớn của trận động đất năm 1999.
“Thay vì ngay lập tức nhảy lên một chiếc trực thăng để khảo sát khu vực thảm họa và sau đó ra lệnh cho các trợ lý của mình hành động, ông Ecevit đã dành nhiều ngày để nói rằng mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát và không cần phải lo lắng. Các chỉ huy quân đội, những người có thể được cho là sẽ triển khai hàng nghìn binh sĩ tới khu vực bị ảnh hưởng, cũng bó tay.
Rõ ràng là mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ nằm trên một số đứt gãy địa chất nguy hiểm nhất thế giới và bị động đất rung chuyển vài năm một lần, nhưng chính phủ nước này không có kế hoạch đối phó với chúng, không có cơ quan cứu trợ thiên tai, không có mạng lưới phòng thủ dân sự, thậm chí không có một quan chức được chỉ định chịu trách nhiệm vào những thời điểm như vậy”, ông Kinzer nói về cách chính quyền cựu thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ đối phó với thảm họa động đất năm 1999.
Politico nhận định, Tổng thống Erdogan dường như đang rút ra bài học từ phản ứng chậm chạp đó. “Ông ấy thường để các bộ trưởng và những người xung quanh xử lý vấn đề. Tuy nhiên, lần này, Erdogan đã can thiệp công khai nhanh hơn bình thường và đã kêu gọi sự giúp đỡ của quốc tế”, giám đốc Chương trình Thổ Nhĩ Kỳ tại Viện Trung Đông Gonul Tol nói.
Borzou Daragahi, một thành viên cao cấp không thường trú của Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết: “Chỉ cần một tòa nhà sụp đổ trong vùng động đất đã biết, đó là một thảm kịch. Nếu hàng chục thành phố lớn sụp đổ, điều đó báo hiệu một thảm kịch có thể ngăn chặn được. Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố đã thực hiện những thay đổi đối với hoạt động xây dựng sau trận động đất bi thảm năm 1999 khiến 17.000 người thiệt mạng”.
“Quốc gia này đã thiết lập các quy tắc xây dựng mới và thực hiện bảo hiểm động đất bắt buộc cho tất cả các tòa nhà. Tuy nhiên, các kiến trúc sư và nhà quy hoạch đô thị đã cảnh báo trong nhiều năm rằng các quy tắc trên đã không được tuân thủ đủ nghiêm ngặt”, Daragahi nói thêm.
Nhiều khu vực đã bị tàn phá bởi các trận động đất, như Gaziantep, Hatay và Sanlıurfa, đã chứng kiến sự bùng nổ xây dựng trong hai thập kỷ qua do chính quyền Erdogan khuyến khích. Các dự án xây dựng khổng lồ có sự tham gia của các công ty có quan hệ chặt chẽ với Erdogan và Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền của ông.