Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý ủng hộ Thụy Điển gia nhập NATO
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 10/7 thông báo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đồng ý chuyển đơn xin gia nhập của Thụy Điển cho Quốc hội phê chuẩn, mở đường để quốc gia Bắc Âu tiến gần hơn tới mục tiêu trở thành thành viên thứ 52 của khối.
Guardian đưa tin, phát biểu tại cuộc họp báo ở Vilinius (Lithuania), sau cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan và Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố "đây là một ngày lịch sử" khi lãnh đạo Ankara đồng ý ủng hộ nỗ lực gia nhập của Stockholm.
"Tôi rất vui mừng thông báo rằng Tổng thống Erdogan đồng ý chuyển đơn xin gia nhập của Thụy Điển tới Quốc hội càng sớm càng tốt và hợp tác chặt chẽ với cơ quan này để đảm bảo việc phê chuẩn", ông Stoltenberg cho biết.
Trong khi đó, Thủ tướng Kristersson mô tả đây là một "bước tiến rất lớn". "Điều này là rất tốt. Đây là mục tiêu của chúng tôi trong một thời gian dài. Tôi tin rằng chúng tôi đã nhận được phản hồi rất tốt trong hôm nay và tiến một bước rất lớn để trở thành thành viên NATO", ông nói.
Tuy nhiên, người đứng đầu NATO chưa tiết lộ chính xác thời điểm Thụy Điển sẽ chính thức được gia nhập khối quân sự, nói rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã đồng ý thúc đẩy việc phê chuẩn tại Quốc hội “càng sớm càng tốt”. Phải mất khoảng 2 tuần để Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển.
Hungary cũng chưa phê duyệt đơn của Thụy Điển, mặc dù chính phủ của Thủ tướng Viktor Orban đã tuyên bố rằng họ sẽ không phải là người cuối cùng thực hiện bước này.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày hoan nghênh quyết định của người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ. "Tôi sẵn sàng hợp tác với Tổng thống Erdogan và Thổ Nhĩ Kỳ để tăng cường năng lực phòng thủ và răn đe ở khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Tôi mong được chào đón Thủ tướng Kristersson và Thụy Điển với tư cách là thành viên NATO thứ 32", ông Biden cho biết.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã viết trên Twitter: “Đây là một thời khắc lịch sử đối với NATO, giúp tất cả chúng ta an toàn hơn. Thụy Điển, chúng tôi mong được chào đón bạn gia nhập liên minh".
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cũng gọi bước tiến này là một tin tốt. "Cuối cùng cũng có một lộ trình rõ ràng để Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn tư cách thành viên NATO của Thụy Điển", bà cho biết.
Động thái bật đèn xanh cho Thụy Điển gia nhập NATO được Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra sau nhiều tháng từ chối phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển, cáo buộc quốc gia Bắc Âu chứa chấp nhóm người Kurd (PKK) mà Ankara gọi là khủng bố, hay các cuộc biểu tình bài Hồi giáo, đốt Kinh Koran.
Tổng thư ký NATO Stoltenberg lưu ý rằng, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí "phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết các mối quan tâm an ninh chính đáng" của Ankara. "Trong đó, Thụy Điển đã sửa đổi hiến pháp, thay đổi luật pháp, mở rộng đáng kể hợp tác chống khủng bố đối với nhóm PKK và nối lại xuất khẩu vũ khí sang Thổ Nhĩ Kỳ", ông nói.
Bên cạnh đó, trong tuyên bố chung sau đàm phán, Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đồng ý việc "tăng cường hợp tác kinh tế", thúc đẩy quan hệ thương mại song phương. Stockholm "sẽ tích cực hỗ trợ nỗ lực tái thúc đẩy tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm hiện đại hóa Liên minh Hải quan EU - Thổ Nhĩ Kỳ và tự do hóa thị thực".
Theo CNN, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trước đó đã tuyên bố rằng Brussels nên dọn đường cho việc gia nhập EU của Ankara - vốn bị đình trệ từ lâu, trước khi nước này chấp thuận đề xuất của Thụy Điển để trở thành thành viên NATO.
“Thổ Nhĩ Kỳ đã chờ đợi ở ngưỡng cửa EU hơn 50 năm nay và gần như tất cả các nước thành viên NATO đều là các nước thành viên châu Âu”, ông nói.
Thụy Điển cùng nước láng giềng Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 5/2022, đánh dấu một sự thay đổi lịch sử trong chính sách an ninh của hai nước. Tuy nhiên, động thái này đã vấp phải sự phản đối của Thổ Nhĩ Kỳ với lý do cả hai chính phủ chưa trấn áp các thành viên đảng công nhân người Kurd (PKK) - tổ chức mà Ankara coi là khủng bố.
Đến cuối tháng 3 năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã phê chuẩn đơn xin gia nhập NATO của Phần Lan. Ngày 4/4, Phần Lan trở thành thành viên thứ 31 của NATO. Trong khi đó, Thụy Điển cho đến nay vẫn đang trong quá trình chờ xét duyệt của Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary.