Tổng thống Trump có thể phải trả giá chính trị vì bỏ rơi người Kurd?
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thẳng thừng bỏ rơi người Kurd ở miền bắc Syria có thể khiến ông mất đi sự ủng hộ trong quá trình ông bị luận tội.
Một vị tổng thống đang gặp nhiều áp lực có thể đưa ra các quyết định không hợp lý. Tổng thống Mỹ Donald Trump được coi là rơi vào tình huống như vậy khi ông thẳng thừng mặc kệ đồng minh của mình ở miền bắc Syria – lực lượng người Kurd từng là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống tổ chức Hồi giáo cực đoan IS.
Động thái trên của ông Trump đang bị chỉ trích ở châu Âu và cả Mỹ. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsey Graham và cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Nikki Haley đi tiên phong trong cuộc công kích ông Trump lần này.
Một trong những điều mà hệ thống luận tội ở Mỹ tính tới là các hành động như thế này. Tuy nhiên hệ thống luận tội đó chủ yếu quan tâm tới các vấn đề chính trị trong nước.
Qua mạng Twitter, ông Trump có ra tuyên bố mới về việc mình đồng ý để cho quân đội Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào miền bắc Syria, nhưng ông vẫn không đảo ngược quyết định đồng ý đó và cũng chưa có dấu hiệu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ làm gì quá giới hạn để khiến ông Trump đổi ý.
Cuộc luận tội hiện nay có thêm chiều sâu mới do chính một số đảng viên Cộng hòa Mỹ từng ủng hộ Tổng thống Trump giờ sẽ quyết định rời bỏ ông. Một số vị thậm chí có thể gợi ý ông từ chức.
Quyết định của Tổng thống Trump bỏ rơi người Kurd nhiều khả năng sẽ dẫn tới nhiều đổ máu ở miền bắc Syria và làm thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông. Việc Mỹ rút bớt khỏi Trung Đông sẽ là dấu hiệu xấu cho Israel và ảnh hưởng đến an ninh của nhà nước Do Thái, làm suy yếu thêm vị thế của Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Trong khi đó Nga cũng độc lập về năng lượng nhưng Moscow lại thấy những lợi thế lớn về kinh tế, chính trị và chiến lược ở đây.
Tuy nhiên việc ông Trump đồng ý cho Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân vào Syria cũng không quá bất ngờ. Ông muốn rút khỏi Afghanistan và đã không hỗ trợ Saudi Arabia khi các cơ sở dầu của nước này bị tấn công.
Ông Trump cơ bản cũng đứng nguyên khi Iran được cho là mở rộng ảnh hưởng ở Yemen, Iraq, Lebanon, và Syria. Mặc dù ông Trump tăng cường lệnh trừng phạt lên Iran, trên thực tế điều này không ngăn được Iran xuất khẩu dầu sang Trung Quốc và nơi khác (kể cả Syria), cũng như không ngăn được Trung Quốc , Nga và Triều Tiên cung cấp vũ khí và công nghệ vũ khí cho Iran.
Tín hiệu ông Trump gửi đi rất rõ ràng và thẳng thắn. Sau vụ tấn công cơ sở dầu của Saudi Arabia, ông Trump nói với báo giới rằng nước Mỹ độc lập về năng lượng. Nói cách khác, chuyện đó ở Saudi không ảnh hưởng tới Mỹ. Ông Trump không muốn chứng kiến chiến tranh ở Trung Đông, vì lợi ích của nước Mỹ.