Tổng thống Trump có vũ khí mới để tiếp tục 'cuộc chiến trường kỳ' với Bắc Kinh

Sự hồi sinh một hiệp định thương mại từ thời Tổng thống Obama có thể sẽ đưa nước Mỹ trở lại vị trí 'người cầm lái' tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với khả năng chuyển hướng thương mại khỏi Trung Quốc.

11 quốc gia đã ký kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sau khi Mỹ rút khỏi TPP. (Nguồn: AP)

Được hỗ trợ bởi Đảng Dân chủ và các đồng minh của Mỹ, TPP nhất định sẽ hiệu quả hơn trong việc kiềm chế Trung Quốc so với bộ thuế quan và lệnh cấm xuất khẩu hiện tại của Tổng thống Trump.

Cơ hội hồi sinh TPP

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã không diễn ra theo kế hoạch của Nhà Trắng, việc leo thang thuế quan và kiểm soát đầu tư chứng tỏ các “ngón đòn” của Washington không hiệu quả như mong muốn, để có thể kiểm soát được Trung Quốc. Bởi vậy, một mặt trận mới là cần thiết và hoàn toàn có thể, trong tình huống vốn được dự đoán là một trận chiến trường kỳ. Đừng ngạc nhiên nếu chính quyền Tổng thống Trump hồi sinh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Cuộc chiến thương mại đang ở trong tình trạng bế tắc, không bên nào thật sự nổi trội để chứng tỏ được khả năng có thể chiến thắng. Mặc dù, nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại, nhưng những tác động lớn không rõ ràng. Nỗi sợ hãi lớn nhất của Mỹ là việc Trung Quốc có thể bình thường hóa các “miếng đòn” vốn được sử dụng trong chiến tranh thương mại thông qua việc điều chỉnh cơ cấu, giống như Nga đã làm. Theo thời gian, những điều chỉnh đó sẽ có tác dụng vô hiệu hóa chiến lược ngăn chặn của Tổng thống Mỹ Trump.

Hiệp định TPP là nỗ lực của cựu Tổng thống Obama với sự tham gia của 12 quốc gia dọc theo Vành đai Thái Bình Dương, ngoại trừ Trung Quốc. Những quốc gia này chiếm khoảng 40% GDP toàn thế giới. Một thỏa thuận thương mại tự do được đề xuất trong Hiệp định vốn có sức mạnh địa chính trị, được cho là có khả năng cách ly nền kinh tế Trung Quốc. Nhìn chung, đây được coi là một công cụ mạnh hơn so với bộ thuế quan, kiểm soát đầu tư và cả lệnh cấm xuất khẩu hiện nay.

TPP đưa ra việc loại bỏ tới 18.000 mức thuế, lợi thế cho các tập đoàn lớn về tiêu chuẩn lao động, quy định môi trường, sở hữu trí tuệ và các điều khoản có lợi cho các tập đoàn trong tranh chấp giữa nhà nước với các nhà đầu tư… Ngoài ra, trong đó, các ngành nông nghiệp và dịch vụ của Mỹ được dự báo sẽ thu về những lợi ích lớn.

Nhằm làm lu mờ những lợi ích trên, các nhà phê bình Mỹ đã trích dẫn các “mất mát” trong các ngành sản xuất. Họ cho rằng, việc cân bằng nhu cầu của công nhân Mỹ đã không được chính quyền ưu tiên, cùng với bài toán về địa chính trị, đây thực sự là câu hỏi hóc búa dành cho Tổng thống Trump. Và vị Tổng thống thứ 45 với lời hứa “nước Mỹ trước tiên”, chính là lý do rõ ràng cho việc ông quyết định từ bỏ TPP - bởi Hiệp định bị cho là một thảm họa có thể cướp mất việc làm của các cử tri của ông.

Quyết định từ bỏ TPP ngay khi vừa bước chân vào Nhà Trắng của Tổng thống Trump đã từng gây nhiều tranh cãi, thu hút sự quan tâm lớn của các thành viên tham gia hiệp định, đặc biệt là từ Nhật Bản - đối tác đã đưa ra các thỏa thuận mạnh mẽ đối với Mỹ, yêu cầu Washington xem xét lại. Trên thực tế, về mặt kỹ thuật, TPP có thể đã chết, nhưng sự hồi sinh của nó được cho là không quá khó khăn đối với 11 quốc gia thành viên còn lại, bởi cấu trúc của nó hầu như còn nguyên vẹn.

Vũ khí tối ưu của Mỹ đối phó với Bắc Kinh

Việc tái khởi động TPP nên được trông đợi một cách nghiêm túc. Một khi Mỹ quyết định quay trở lại, hiệp ước này có thể thúc đẩy đáng kể vị thế chiến lược của Mỹ. Bởi trong TPP, Mỹ vốn có vai trò trung tâm và người gác cổng, với sức mạnh chuyển hướng thương mại khỏi Trung Quốc, cùng với sự gia tăng thành viên dự kiến theo thời gian, nó hoàn toàn có thể trở thành cơn ác mộng đối với Bắc Kinh.

Nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, TPP rất có thể sớm được hồi sinh vào nhiệm kỳ thứ hai của ông. (Nguồn: Reuters)

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 đang đến rất gần và nếu Tổng thống Trump tái đắc cử, TPP rất có thể sớm được hồi sinh vào nhiệm kỳ thứ hai của ông. Và trong lúc ông Trump không nhận được sự ủng hộ từ đảng đối thủ, thì hãy mong đợi sự ủng hộ mạnh mẽ của lưỡng đảng dành cho một TPP được hồi sinh, bởi Hiệp định này vốn đã từng nhận được nhiều ưu ái từ Đảng Dân chủ.

Trong khi đó, xem xét các quyết định áp thuế quan của Tổng thống Trump đối với các đối thủ và cả các đồng minh, việc một TPP được hồi sinh sẽ khiến các quốc gia thành viên khác gấp rút củng cố vị trí của họ trong khu vực. Điều này sẽ mang tới cho Tổng thống Trump sức mạnh đàm phán lại các điều khoản có lợi cho mình, đặc biệt là các biện pháp nhằm hạn chế việc thuê gia công từ bên ngoài vốn được coi là sẽ làm thiệt hại cho ngành sản xuất Mỹ.

Cuối cùng, một TPP của Tổng thống Trump có thể sẽ được đặt một cái tên khác. Hơn thế nữa, Hiệp định cũng sẽ được khuếch trương về các thỏa thuận mang tính cách mạng, nhờ ưu thế của Tổng thống Trump, như khả năng thâu tóm và đàm phán một thỏa thuận. Đây sẽ là một sự khác biệt trong việc mở lại các cuộc đàm phán mới về quan hệ đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương, giống như một “hiệp định anh em” với hiệp định với châu Âu.

Với việc các biện pháp kinh tế của Tổng thống Trump chống lại Trung Quốc không đạt kết quả như mong đợi, khả năng TPP được hồi sinh rất cao. Với sự hỗ trợ của lưỡng đảng và sự ủng hộ của một số đồng minh, TPP được tin tưởng có thể là vũ khí tối ưu chống lại Bắc Kinh một cách hiệu quả hơn, cũng như khiến một số nhà phê bình ở Washington không còn gì để phản biện.

Giờ đây, người ta có thể nghĩ đến một Hiệp định thương mại tự do đa phương, giống giống như TPP, tuy nhiên, cũng không hẳn là như vậy.

(theo SCMP)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-trump-co-vu-khi-moi-de-tiep-tuc-cuoc-chien-truong-ky-voi-bac-kinh-103922.html