Tổng thống Trump mời Chủ tịch Triều Tiên gặp thượng đỉnh tại Khu phi quân sự
Ngày 29/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ mời Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tới gặp mặt tại Khu phi quân sự nằm giữa hai miền Triều Tiên.
Lời mời bất ngờ trên được Tổng thống Mỹ đưa ra khi ông đang ở thăm Nhật Bản và dự Hội nghị cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) tại Osaka. Sau khi rời Nhật Bản, ông Trump sẽ tới Hàn Quốc vào tối 29/6 và có chuyến thăm Khu phi quân sự (DMZ) chia cắt hai miền Triều Tiên.
Trên trang mạng cá nhân Twitter, Tổng thống Trump đã gửi lời mời nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Khu DMZ để có một cuộc gặp lịch sử với ông và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Ông Trump nêu rõ: "Sau một số cuộc gặp quan trọng, trong đó có cuộc gặp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tôi sẽ rời Nhật Bản đi thăm Hàn Quốc. Thời gian ở đó, tôi muốn gặp Chủ tịch Triều Tiên Kim tại Khu DMZ chỉ để bắt tay và nói xin chào".
Các phương tiện truyền thông gọi cuộc gặp này, nếu diễn ra, là "cuộc gặp thượng đỉnh phát sinh" giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ-Triều Tiên. Nếu Chủ tịch Kim Jong-un nhận lời, đây sẽ là lần thứ 3 ông và Tổng thống Trump gặp nhau.
Trước đó, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ nhất đã diễn ra ngày 12/6/2018 tại Singapore, với kết quả là Tuyên bố chung lịch sử. Chưa đầy 1 năm sau, vào ngày 28/2/2019, Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai đã diễn ra tại thủ đô Hà Nội.
Trích đoạn phim tài liệu về Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai ở Hà Nội (Nguồn: Đài Truyền hình Trung ương Triều Tiên)
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân Mỹ - Triều đang bị đình trệ kể từ sau Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ hai. Sau hội nghị này, ông Kim Jong-un nói rằng một hội nghị lần ba sẽ chỉ diễn ra nếu Washington có một cách tiếp cận mềm dẻo hơn, đồng thời cho biết ông sẽ đợi cho đến hết năm nay.
Ngày 26/6, Tổng thống Hàn Quốc cho biết hiện Mỹ đang tiến hành các cuộc đàm phán không chính thức với Triều Tiên về khả năng tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần ba và đề xuất nối lại các cuộc đàm phán cấp chuyên viên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng phủ nhận thông tin này.
Ngày 27/6, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố nước này vẫn sẵn sàng đối thoại với Triều Tiên, song quyết định không phản hồi trực tiếp lời kêu gọi của Bình Nhưỡng về một đề nghị mới.
Phát biểu trên được đưa ra sau khi một quan chức cấp cao thuộc Bộ Ngoại giao Triều Tiên cảnh báo rằng Mỹ chỉ còn thời gian từ nay đến cuối năm 2019 để đưa ra một "đề xuất thích hợp" cho các cuộc đàm phán giữa hai bên về việc hủy bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Cùng ngày, với 86 phiếu thuận và 8 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng (NDAA) tài khóa 2020, trong đó bao gồm dự trù cho việc tăng cường các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.
Theo một phần sửa đổi do một số Thượng nghị sĩ đề xuất, trong đó có Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen (Crít Van Hô-lần), NDAA kêu gọi áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với các tổ chức tài chính đang làm ăn với Bình Nhưỡng, vi phạm các lệnh trừng phạt hiện hành nhằm vào Triều Tiên. Những lệnh trừng phạt này chủ yếu ảnh hưởng tới các ngân hàng Trung Quốc. Mặc dù vậy, dự luật này vẫn cần được điều chỉnh cho phù hợp với một phiên bản dự luật tương tự của Hạ viện, trước khi được Tổng thống Mỹ Donald Trump ký ban hành.
Trước đó, ngày 27/6, đề cập đến đàm phán Mỹ - Triều, quan chức Bộ Ngoại giao Triều Tiên phụ trách về các vấn đề với Mỹ, ông Kwon Jong Gun cho biết Mỹ nên hành động để đưa ra một chiến lược mới nhằm sớm nối lại các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa, đồng thời cảnh báo thời gian không còn nhiều trước khi đến hạn chót là cuối năm nay mà Bình Nhưỡng đặt ra.
Theo ông Kwon Jong Gun, đối thoại không thể tự diễn ra khi Mỹ không hành động để có một cách tiếp cận thực tế, phục vụ lợi ích của hai bên, thay vì nói suông về khởi động đối thoại.
Tuần trước, Tổng thống Mỹ Trump cũng đã gửi một lá thư với "nội dung tuyệt vời" cho nhà lãnh đạo Kim Jong-un, làm dấy lên hy vọng hai bên vẫn cam kết theo đuổi đối thoại và để ngỏ khả năng tiến hành thêm các cuộc gặp thượng đỉnh trong tương lai.