Tổng thống Trump trở lại Trung Đông: Vùng Vịnh thành tâm điểm chiến lược mới của Mỹ?

Chuyến công du vùng Vịnh của Tổng thống Trump đánh dấu sự chuyển hướng chiến lược của Mỹ khỏi các liên minh cũ, mở ra cục diện địa chính trị mới với ưu tiên kinh tế và đối thoại mềm dẻo.

Thái tử Saudi Arabia (Ảrập Xêút) Mohammed bin Salman Al Saud (thứ 3, phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, trái) tại cuộc gặp ở Riyadh, ngày 13/5/2025. Ảnh: AA/TTXVN

Thái tử Saudi Arabia (Ảrập Xêút) Mohammed bin Salman Al Saud (thứ 3, phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (thứ 2, trái) tại cuộc gặp ở Riyadh, ngày 13/5/2025. Ảnh: AA/TTXVN

Chuyến công du vùng Vịnh của Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây, dù không ồn ào như những lần xuất hiện trước đây, nhưng đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong bức tranh địa chính trị Trung Đông. Nhận định với tờ National (UAE) ngày 16/5, Paul Salem, Phó Chủ tịch Viện Trung Đông tại Washington D.C. cho rằng, chuyến đi này không chỉ mang về những thỏa thuận thương mại béo bở mà còn đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cách Mỹ nhìn nhận và tương tác với khu vực.

Sự thay đổi trong ưu tiên chiến lược của Mỹ

Điều đầu tiên cần lưu ý là việc ông Trump chọn vùng Vịnh làm điểm đến cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong nhiệm kỳ, bỏ qua Israel, một đồng minh truyền thống của Mỹ. Điều này cho thấy rõ ràng sự thay đổi trong ưu tiên chiến lược của Mỹ. Các quốc gia vùng Vịnh, với tiềm lực kinh tế và địa chính trị ngày càng tăng, đang trở thành trung tâm trong chính sách đối ngoại của Washington. Tất nhiên, Israel vẫn là đồng minh và đối tác gân gũi của Mỹ, nhưng Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ phải đặt câu hỏi về vị trí của Israel trong bản đồ về lợi ích và ưu tiên của ông Trump.

Thứ hai, không có gì bí mật khi ông Trump không có nhiều mối quan hệ nồng ấm ở Tây Âu và đã phàn nàn về quan hệ đối tác kinh tế và an ninh của Mỹ ở đó. Việc ông Trump thực hiện chuyến thăm nước ngoài chính thức đầu tiên của mình đến vùng Vịnh trong nhiệm kỳ thứ hai cũng cho thấy ông coi các quốc gia và nền kinh tế vùng Vịnh là những nhân tố địa chính trị và địa kinh tế ở trên những quốc gia và nền kinh tế của Tây Âu. "Các nhà lãnh đạo của Saudi Arabia, Qatar và UAE hiện có vẻ có nhiều ảnh hưởng hơn với Tổng thống Mỹ so với một số nhà lãnh đạo của các đồng minh NATO truyền thống của Mỹ", ông Salem nhận định.

Thứ ba, Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ thứ hai đang khẳng định sự thay đổi mà ông đang dẫn đầu trong các nguyên tắc của chính sách đối ngoại Mỹ: từ một chính sách đối ngoại được xây dựng trên các liên minh quyền lực và chính trị theo kiểu Chiến tranh Lạnh, sang một chính sách đối ngoại phi ý thức hệ, thân thiện với doanh nghiệp, mang tính giao dịch.

Như vậy, sự chuyển hướng này không chỉ phản ánh mối quan tâm của Mỹ đối với tiềm năng kinh tế của khu vực mà còn cho thấy sự thay đổi trong cách tiếp cận chính sách đối ngoại của chính quyền Trump. Thay vì tập trung vào các liên minh truyền thống và đối đầu ý thức hệ, ông Trump ưu tiên các mối quan hệ mang tính giao dịch, tập trung vào lợi ích kinh tế và tránh xa các cuộc xung đột kéo dài.

Sự thay đổi này đã gửi một thông điệp rõ ràng đến thế giới. Việc ông Trump thể hiện thái độ cởi mở và sẵn sàng đối thoại cho thấy Mỹ không còn đặt nặng vấn đề ý thức hệ trong quan hệ với các quốc gia ở khu vực này. Điều đó mở ra cơ hội cho các cuộc đàm phán và hợp tác, thay vì đối đầu.

Ở cấp độ địa kinh tế, chuyến thăm trên nhấn mạnh sự hợp tác sâu sắc giữa Mỹ và các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI). Trong bối cảnh AI được dự đoán sẽ định hình quyền lực toàn cầu trong thế kỷ 21, việc hợp tác với các quốc gia giàu năng lượng như vùng Vịnh là điều cần thiết để Mỹ duy trì vị thế dẫn đầu.

Những bước đi táo bạo và thách thức phía trước

Một trong những quyết định gây chú ý nhất của ông Trump trong chuyến đi này là việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với Syria và cuộc gặp với Tổng thống lâm thời nước này Ahmad Al Shara. Động thái đó đánh dấu một sự thay đổi lớn trong chính sách của Mỹ đối với Syria, một quốc gia đã bị cô lập trong nhiều thập kỷ.

"Nếu ông Shara có thể tận dụng sự ủng hộ mới tìm thấy này để đưa Syria thoát khỏi cuộc nội chiến và sự sụp đổ kinh tế, ông sẽ đưa đất nước này trở lại cùng với vùng Vịnh và Mỹ, cũng như đảo ngược nhiều thập kỷ lịch sử gần đây của Trung Đông", chuyên gia Salem phân tích.

Tuy nhiên, việc mở rộng Hiệp định Abraham, một trong những mục tiêu quan trọng của ông Trump, vẫn còn gặp nhiều thách thức. Saudi Arabia, quốc gia đóng vai trò then chốt trong việc mở rộng hiệp định này, vẫn giữ vững lập trường về việc cần phải có một giải pháp công bằng cho vấn đề Palestine.

Chuyến thăm vùng Vịnh của ông Trump đã tạo ra những thay đổi đáng kể trong bức tranh địa chính trị Trung Đông. Việc Mỹ thay đổi ưu tiên chiến lược, tập trung vào các mối quan hệ kinh tế và sẵn sàng đối thoại với các đối thủ tiềm tàng, có thể mở ra những cơ hội mới cho khu vực. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Việc giải quyết vấn đề Palestine, mở rộng Hiệp định Abraham và đạt được thỏa thuận với Iran đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác của tất cả các bên liên quan.

"Các nhà lãnh đạo của khu vực có thể là đối tác hiệu quả với Mỹ trong việc đạt được những đột phá vẫn cần thiết để tạo ra một Trung Đông thực sự hòa bình, thống nhất và thịnh vượng", ông Salem kết luận.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tong-thong-trump-tro-lai-trung-dong-vung-vinh-thanh-tam-diem-chien-luoc-moi-cua-my-20250517162239046.htm