Tổng thống từ chức, Sri Lanka có hết bất ổn?
Ngày 15-7, Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức quyền Tổng thống thay ông Gotabaya Rajapaksa sau khi ông này từ chức. Trong bối cảnh Sri Lanka đang đối diện khủng hoảng kinh tế, chính trị trầm trọng khiến các cuộc biểu tình diễn ra rầm rộ, việc Tổng thống Rajapaksa từ chức được nhận định sẽ không giúp nước này ổn định.
Thủ tướng Ranil Wickremesinghe đã tuyên thệ nhậm chức quyền Tổng thống Sri Lanka.
Từ chức được chấp nhận
Hôm 14-7, ông Rajapaksa đã gửi đơn từ chức qua thư điện tử sau khi đến Singapore. Ngày 15-7, Chủ tịch Quốc hội Sri Lanka, ông Mahinda Yapa Abeywardana, thông báo đơn từ chức của Tổng thống Rajapaksa đã được chấp thuận và có hiệu lực từ ngày 14-7, đồng thời cho biết Quốc hội Sri Lanka sẽ nhóm họp ngày 16-7.
Sau khi Tổng thống Rajapaksa từ chức, người biểu tình Sri Lanka đã tràn ra đường phố thủ đô Colombo để nhảy múa, ăn mừng, gọi đây là "chiến thắng cho nền dân chủ", bất chấp lệnh giới nghiêm toàn thành phố. Người biểu tình cáo buộc ông Rajapaksa và gia tộc ông bòn rút công quỹ suốt nhiều năm, áp dụng các chính sách kinh tế sai lầm, đẩy đất nước tới bờ vực sụp đổ. Gia đình ông Rajapaksa phủ nhận cáo buộc tham nhũng, nhưng ông thừa nhận một số chính sách của ông đã góp phần gây ra khủng hoảng.
Theo hiến pháp Sri Lanka, Thủ tướng Wickremesinghe sẽ là quyền Tổng thống cho đến khi Quốc hội bầu được một nghị sỹ kế nhiệm ông Rajapaksa trong phần còn lại của nhiệm kỳ hiện nay. Ông Wickremesinghe cũng đã đảm nhận vai trò quyền Tổng thống từ ngày 13-7 do ông Rajapaksa ra nước ngoài lánh nạn sau khi người biểu tình xông vào Dinh Tổng thống. Tuy nhiên, người biểu tình hiện cũng đang đòi ông Wickremesinghe từ chức.
Sẽ có tân Tổng thống trong 7 ngày tới
Chủ tịch Quốc hội Abeywardana bày tỏ hy vọng hoàn tất tiến trình bầu chọn một tổng thống mới trong 7 ngày tới và sẵn sàng hợp tác với tất cả các bên liên quan. 225 thành viên Quốc hội sẽ tiến hàn h bầu tổng thống mới vào ngày 20-7 tới sau khi tiếp nhận các đề cử trong ngày 19-7. Ứng viên chiến thắng phải đảm bảo được đa số phiếu bầu trong quốc hội, cũng như nhận được sự tin tưởng của hàng trăm nghìn người Sri Lanka, những người tham gia vào phong trào biểu tình buộc ông Rajapaksa từ chức.
Theo hai nguồn tin chính phủ, Thủ tướng Wickremesinghe nằm trong số những ứng viên khao khát vị trí đứng đầu đất nước này. Mặc dù đảng của ông Wickremesinghe chỉ giữ 1 ghế trong quốc hội song các nghị sĩ của đảng cầm quyền Sri Lanka Podujana Peramuna (SLPP) được cho là ủng hộ ông. Một quan chức trong đảng chia sẻ các thành viên của đảng cầm quyền cảm thấy rằng, nếu ông Wickremesinghe giữ chức Tổng thống kiêm nhiệm chức Bộ trưởng tài chính, có khả năng giải quyết được những thách thức kinh tế mà Sri Lanka đang phải đối mặt.
Trong khi đó, sự lựa chọn của đảng đối lập Samagi Jana Balawegaya (SJB) là nhà lãnh đạo Sajith Premadasa (55 tuổi), con trai của một cựu tổng thống. Với chỉ 50 ghế trong quốc hội, ông này sẽ cần phải xây dựng niềm tin và sự ủng hộ của hai đảng để có cơ hội điều hành đất nước. Ngoài ra, còn một ứng cử viên được đánh giá là tiềm năng cho cuộc chạy đua vào vị trí Tổng thống đó là ông Dullas Alahapperuma, một nhà lập pháp cấp cao của đảng SLPP cầm quyền. SLPP với 117 lá phiếu có thể giúp ứng viên 63 tuổi này về đích.
Hy vọng sẽ sớm ổn định
Việc Tổng thống từ chức được nhận định là một thắng lợi mang ý nghĩa tinh thần đối với người biểu tình, giúp hòa hoãn tình hình tại Sri Lanka trong thời gian ngắn, chứ không giải quyết được tình hình gốc rễ tại nước này.Sri Lanka đã trải qua nhiều tháng thiếu lương thực và nhiên liệu, mất điện kéo dài và lạm phát phi mã, sau khi cạn kiệt ngoại tệ không nhập khẩu được các mặt hàng thiết yếu, dẫn tới một cuộc khủng hoảng kinh tế chưa từng có. Giá cả các mặt hàng thiết yếu nhất tại Sri Lanka đã tăng gấp 3 lần trong những tháng gần đây. Tình hình trên dẫn đến các cuộc biểu tình ở Sri Lanka kéo dài suốt nhiều tháng gần đây.
Theo các nhà phân tích chính trị, thách thức lớn nhất đối với bất kỳ nhà lãnh đạo mới của Sri Lanka là lấy lại niềm tin đã mất từ tầng lớp chính trị và người dân, giải quyết được cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay bao gồm cải thiện cuộc sống cho người dân và thanh toán các khoản nợ quốc tế.
Ngày 14-7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hy vọng tình trạng bất ổn ở Sri Lanka sẽ sớm được giải quyết để các cuộc đàm phán viện trợ có thể được nối lại. IMF đang theo dõi sát sao diễn biến tại Sri Lanka đồng thời hy vọng sẽ có một giải pháp giải quyết tình hình hiện tại để cho phép nối lại đàm phán về chương trình viện trợ do IMF bảo trợ.
AN BÌNH
Cựu Tổng thống Gotabaya Rajapaksa đã đến Singapore
Trong diễn biến mới nhất, theo hãng tin Reuters, máy bay chở Tổng thống Sri Lanka Gotabaya Rajapaksa khởi hành từ Maldives đã hạ cánh xuống Singapore trong ngày 14-7, sau khi ông rời khỏi đất nước. Bộ Ngoại giao Singapore xác nhận ông Rajapaksa đã được phép nhập cảnh quốc gia Đông Nam Á này trong "một chuyến thăm riêng". Cũng theo bộ trên, Tổng thống Rajapaksa không xin tị nạn và cũng không được cấp quy chế tị nạn.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/tong-thong-tu-chuc-sri-lanka-co-het-bat-on-post263883.html